Hoa Ta Space

Số 8, Nội khu Mỹ Thái 1A, phường Tân Phú, Quận 7, tpHCM

Mon - Fri: 9:00 - 16:00

Shop online 24/7

Những phát minh làm thay đổi cách con người tiếp cận kiến thức thông tin

Tác giả: DON VAUGHAN
Kiểm chứng thông tin: The Editors of Encyclopaedia Britannica

Trong suốt quá trình phát triển lịch sử nhân loại, nhiều phát minh đã giúp con người cải tiến việc truyền tải thông tin và chia sẻ kiến thức rộng khắp thế giới. Đây là danh sách một số phát minh quan trọng nhất.

Johannes Gutenberg được xem là cha đẻ của máy in ngày nay thật ra chỉ là người giúp cải tiến kỹ thuật đã có từ lâu đời. In ấn bắt đầu được phát triển ở Trung Quốc, với quyển sách in cổ nhất được tìm thấy cho đến nay là quyển Kinh Kim Cang, được in từ bản khắc gỗ khoảng năm 868. 

Từ năm 1041-1048, nhà phát minh người Trung Quốc Tất Thăng, đã phát triển phương pháp in sử dụng các ký tự rời ghép vào nhau, thay thế các bản khắc cố định. Các ký tự được khắc trên khuôn đất sét rồi nung cứng thành từng khối. Sau đó, tuỳ theo nội dung cần in mà sắp xếp các khối thành hàng trên khung sắt, tiếp theo là phủ mực rồi mới ấn giấy lên để in. 

 

Đến thế kỷ thứ 14, người châu Âu mới bắt đầu in trên bản khắc gỗ. Vào thập niên 1430s, người thợ thủ công gốc Mainz (Đức) tên Gutenberg bắt đầu thử nghiệm in ấn khi đang sống lưu vong ở Strasbourg (Pháp). Trở về cố hương năm 1448, ông bắt tay hoàn thiện chiếc máy in với các tính năng quan trọng phục vụ thương mại hoá. Năm 1455, Gutenberg sản xuất quyển sách đầu tiên in bằng máy in này. Đó là một quyển Kinh Thánh dày 1300 trang.

Sức tác động của in ấn đến đời sống con người là vô cùng ấn tượng. Từ khi các hệ thống in ấn được phức tạp hoá và kiện toàn, hàng loạt các tài liệu như sách, báo, tờ rơi và các tư liệu khác được phổ biến rộng rãi đến công chúng. Điều này dẫn đến các hệ quả như xóa mù chữ, dễ dàng chia sẻ kiến thức và ý tưởng, làm cho xã hội tiến bộ và nâng tầm văn hoá. Đột nhiên, kiến thức không còn là đặc quyền riêng dành cho giới thượng lưu. Những ai biết đọc, họ đều có khả năng tự học.

Nhiếp ảnh là kết quả khi con người làm chủ được hiện tượng khúc xạ ánh sáng để hiện ảnh và phát minh ra phương pháp lưu ảnh.

Trong lĩnh vực chia sẻ và truyền tải thông tin đến cộng đồng, nhiếp ảnh đóng vai trò một nhân tố đột phá làm thay đổi cuộc chơi, tương tự như công nghệ in ấn. Tuy nhiên, điều khác biệt là nhiếp ảnh sử dụng ngôn ngữ hình ảnh thay vì ngôn từ và con chữ. Trước khi nhiếp ảnh ra đời vào giữa thập niên 1800, phương pháp duy nhất để ghi chép lại hiện thực cho hậu thế là tranh vẽ và tranh minh hoạ. Nhiếp ảnh vì thế, phô bày một toàn cảnh xã hội rộng lớn, phong phú hơn và sinh động hơn rất nhiều lần. 

Khi trình độ nhiếp ảnh ngày càng nâng cao còn máy ảnh ngày càng nhỏ gọn và dễ sử dụng, nhiếp ảnh gia trở thành lực lượng ghi chép lại lịch sử văn hoá xã hội, và vì thế, đóng vai trò là những người truyền đạt kiến thức. Ảnh cho thấy cái tốt, cái xấu, và cái tồi tệ đang diễn ra trên thế giới, đôi khi gây tác động làm thay đổi xã hội. Ví dụ như các nhiếp ảnh gia của Cơ quan An ninh Nông nghiệp (Farm Security Administration), chụp những bức ảnh về đời sống nông thôn Mỹ trong thời Đại Khủng Hoảng đã giúp Chính sách kinh tế mới của tổng thống Franklin D. Roosevelt được thành công. Nhiều bức ảnh gây xúc động mạnh trong công chúng như bộ ảnh chụp Xô Viết tấn công Praha năm 1968 của nhiếp ảnh gia Josef Koudelka được đăng tải trên hàng loạt tạp chí sau khi được đưa khỏi Tiệp Khắc. Hoặc ảnh chụp binh lính ISIS bị quân Libya bắt năm 2016 của Alessio Romenzi.

Qua nhiều năm, nhiếp ảnh truyền thông đã góp phần làm thay đổi quan niệm công chúng về chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Afghanistan và Iraq, cũng như những xung đột khác trên toàn thế giới; ghi chép lại vụ nổ súng kinh hoàng ở Kent ngày 4/5/1970; phơi bày sự đói nghèo sâu trong các thành phố hoa lệ của Mỹ. Vai trò này vẫn được tiếp tục hôm nay với những hình ảnh về các phong trào đòi công bằng xã hội như Black Lives Matter, về sự chia rẽ nội bộ chính trị và đưa tiếng nói của những người yếu thế được vang xa hơn.

Thuở ban đầu, phim/video chỉ phục vụ cho nhu cầu giải trí là chính, tuy nhiên, bộ môn này ngày càng có vai trò lớn hơn trong việc phổ cập kiến thức. Tương tự như nhiếp ảnh, phim có khả năng ghi chép hiện thực và trình chiếu hình ảnh đến đông đảo người xem.  

Hình ảnh động thay đổi vai trò từ giải trí đơn thuần thành giáo dục nghiêm túc với thể loại phim tài liệu – phô bày thực tế sâu rộng. Những bộ phim đầu tiên, gọi là “phim trung thực”, chính là những bộ phim tài liệu quy mô nhỏ vì chúng bắt lại những khoảnh khắc của đời sống. Thời lượng phim ngắn ngủi chỉ vài phút, nội dung có phần tẻ nhạt so với tiêu chuẩn hiện nay (có phim chỉ chiếu cảnh công nhân tan ca, rời nhà máy). Thế mà một thời, chúng từng làm kinh ngạc bao lớp khán giả, những người chưa bao giờ thấy điều gì tương tự vậy.

Phim tài liệu xưa kia còn thô sơ đã sớm góp phần tạo nên cuộc cách mạng điện ảnh. Ngày nay vẫn tồn tại nhiều tranh luận xoay quanh bộ phim Nanook of the North (1922) kể về đời sống khó khăn của người Inuit, của nhà làm phim Robert Flaherty. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử điện ảnh công nhận đây là bộ phim tài liệu đầu tiên, mặc dù một số phân cảnh trong phim là dàn dựng.

Phim tài liệu đương đại mở rộng kiến thức bằng cách khai thác sâu vào một chủ đề cụ thể như một vấn nạn, một trào lưu sự kiện, hoặc một cá nhân nào đó. Đôi khi, phim thay đổi quan niệm chung xã hội và khuyến khích sự đổi mới. Ví dụ như bộ phim tài liệu Blackfish (2013, tạm dịch là Cá Đen), kể về hậu quả nuôi nhốt cá voi sát thủ hoang dã. Phim gây tiếng vang lớn, và nhờ đó, giúp thông qua bộ luật bảo vệ cá voi; đồng thời, tác động đến phương pháp quản lý chăm sóc động vật trong các khu vui chơi công viên nước như SeaWorld. Một trường hợp khác gây biến chuyển đầy ấn tượng là bộ phim tài liệu về thảm kịch diệt chủng Holocaust của đạo diễn Alain Resnais, phim Night & Fog (tạm dịch là Đêm và Khói Sương) thực hiện năm 1956. Tương tự là bộ phim hoạt hình tài liệu (animated documentaryWaltz with Bashir (2008, tạm dịch Điệu Vanxơ cùng Bashir) của nhà làm phim người Israel Ari Folman, kể về trải nghiệm bản thân ông khi còn là binh sĩ tham chiến trong cuộc chiến Liban năm 1982 (1982 Lebanon war).

Với kết nối Internet, mỗi chúng ta có thể truy cập tới một lượng thông tin khổng lồ trên khắp thế giới.

Bàn về phổ biến kiến thức, không thể không nhắc đến phương cách hiện đại mà tầm quan trọng, sự ảnh hưởng và khả năng tiếp cận đều sánh ngang với in ấn, đó là mạng Internet. Bắt đầu phát triển từ thập niên 1990s, mạng Internet mang đến cơ hội tiếp cận một khối lượng thông tin vô hạn trong nháy mắt, dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ với một cái nhấp chuột.  

Mặc dù tuổi đời Internet còn khá non trẻ, ý tưởng về một mạng toàn cầu thật ra không hề mới mẻ. Nikola Tesla đã từng nhắc đến khái niệm “hệ thống không dây toàn cầu” từ đầu thập niên 1900s, cùng với một số chuyên gia khác thời kỳ đó.

Kỹ thuật công nghệ đã bắt kịp và biến ước mơ con người thành hiện thực từ đầu thập niên 1960s, khi các nhà khoa học máy tính phát triển thành công cách truyền tải dữ liệu điện tử gọi là “chuyển mạch gói” (packet switching). Phát minh này chính là chìa khoá cho ra đời mạng Internet của chúng ta ngày hôm nay. 

Mạng “Internet” hoạt động đầu tiên – là một hệ thống thu nhỏ “interconnecting networks” (tạm dịch là “mạng liên kết”) – có tên là Advanced Research Projects Agency Network (ARPANET, tạm dịch là Mạng Lưới Văn Phòng Nghiên Cứu Các Đề Án Tân Tiến). Đây là chương trình được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đầu tư, sử dụng chuyển mạch gói để kết nối và chuyển giao thông tin giữa nhiều máy tính trong một hệ thống mạng đơn lẻ. ARPANET gửi tin nhắn đầu tiên vào ngày 29 tháng 10 năm 1969, nội dung chỉ gồm một từ “Login” duy nhất, và được gửi từ Đại học California tại Los Angeles (UCLA) đến Đại học Stanford. Tin nhắn này đã làm quá tải và sập hệ thống, chỉ có 2 ký tự đầu là được chuyển đi thành công. 

Kể từ đó, cải tiến này tiếp nối cải tiến khác, cho đến đầu thập niên 1980s, mạng Internet đã bắt đầu thành hình. Thập niên 1990s chứng kiến sự tăng trưởng ồ ạt của mạng Internet, và hôm nay hệ thống mang tính cách mạng này đã trở thành một phần to lớn trong đời sống của nhiều người hệt như điện và nước sinh hoạt.  

Tầm ảnh hưởng của Internet lên xã hội là không thể đong đếm được, đặc biệt là trong lĩnh vực phổ biến kiến thức. Mạng Internet cho phép các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới có thể cùng lúc làm việc với nhau, các sinh viên có thể học từ nhiều giảng viên từ những địa phương khác nhau, hay nhiều người có thể tiếp cận được các thư viện và thông tin lưu trữ một cách dễ dàng như lấy một quyển sách trừ trên kệ xuống. Điều đó giúp đẩy mạnh trình độ tri thức trên toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng sẵn có cho các loại hình âm nhạc, sách, phim và vô số điều hữu ích khác cho mọi người.

Tuy nhiên, mạng Internet không hề hoàn hảo. Sự thật dễ dàng được xác minh vẫn đứng cùng với sự giả tạo mà trong thế giới kỹ thuật số, đôi khi khó lòng phân biệt được. Dù vậy, thế giới sẽ vô cùng khác biệt nếu không có mạng Internet. Đặc biệt với những ai đi tìm học kiến thức, giá trị của nó luôn là vô tận. 

BB Trương dịch lại từ bài viết “Inventions that Helped Shape How We Interact with Knowledge and Information”, Encyclopedia Britannica

Nguồn tham khảo:

https://www.britannica.com/story/inventions-that-helped-shape-how-we-interact-with-knowledge-and-information