Hoa Ta Space

Số 8, Nội khu Mỹ Thái 1A, phường Tân Phú, Quận 7, tpHCM

Mon - Fri: 9:00 - 16:00

Shop online 24/7

Table of Contents

Từ thuở xuất hiện, chúng ta coi nhiếp ảnh là công cụ để bổ trợ cho trí nhớ, để mang những kỷ niệm trở nên rõ nét hơn, để những chuyến du lịch được người khác trải nghiệm, để bài báo trở nên sống động. Đến bây giờ vai trò đó vẫn còn tuy nhiên cùng với sự phát triển của xã hội và nhu cầu thẩm mỹ, nhiếp ảnh có trong nó một vài điều lý thú. 

Những tấm ảnh mang đến lát cắt của hiện thực trước ống kính bằng cách hiển thị những chi tiết rõ ràng. Sự rõ ràng đó dần tạo thành vòng tròn lặp lại, khiến người xem lẫn người làm nghề đều muốn thoát khỏi nó, muốn cho vào một chút bí ẩn để bức ảnh trở nên thú vị. Lý tưởng (ideal) được đưa vào ảnh để tạo ra sự ấn tượng (impression). Từ đó những tấm ảnh làm gia tăng trải nghiệm của công chúng về cuộc sống, như nghệ thuật vậy.

Giống như cách chúng ta chụp một tấm ảnh, để tiếp cận những tấm ảnh, khán giả đều sử dụng thị giác để nhận biết những chi tiết và quan sát những sự kiện diễn ra trong tấm ảnh. Vậy khi đứng trước một hay nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, có 5 yếu tố khán giả cần chú ý khi bắt đầu cảm thụ ảnh như sau: 

  • Sự vật, sự việc
  • Chi tiết
  • Khung hình 
  • Thời gian
  • Góc nhìn

Sự vật, sự việc

Bản chất của nhiếp ảnh vốn khác với những loại hình nghệ thuật quen thuộc. Hội họa đặt người họa sĩ làm trung tâm từ đó tạo ra đồ vật, con người, phong cảnh. Với nhiếp ảnh những điều diễn ra trong ảnh trải qua quá trình chọn lọc dựa trên những yếu tố xung quanh. Khi nằm trong một khung hình, những điều giản dị, nhỏ bé trong cuộc sống lại thu hút sự hiếu kỳ của người xem, họ đặt ra những câu hỏi, những lời bình luận. Khiến chúng, chỉ trong một khoảnh khắc dù ngắn hay dài, trở nên quan trọng trong tâm trí chúng ta. 

Với người làm nghề, họ dần nhận ra rằng, nhiếp ảnh liên quan đến những thực tế: đồ vật, sự vật, … Những yếu tố này là bản lề cho sự sáng tạo của họ. Thế giới chứa đựng những điều kì diệu và họ, với những chiếc máy ảnh, có thể tìm được vô vàn khả năng. 

Nhưng họ cũng hiểu rằng, tấm ảnh và thực tại không giống nhau hoàn toàn. Họ đã lựa chọn một mảnh lát cắt của thực tại để chụp chứ không phải cả thực tại mà họ nhìn thấy. Điều đó cũng có nghĩa rằng, chúng ta nhìn vào sự việc trong tấm ảnh qua con mắt của người chụp, chịu sự chi phối của họ nhưng cũng nhận được điều họ mong muốn chúng ta để tâm tới, để có thể hiểu hơn về thế giới xung quanh, cảm những điều chúng ta bỏ lỡ trong sự vội vã của cuộc sống. 

Khi đối diện một viễn cảnh, người chụp ảnh cần  nhìn ra những khả năng vượt khỏi thực tại hiện diện trước mắt, để tấm ảnh của họ tạo ra sự kết nối với người xem và đó là điều mỗi người làm nghề nhắm đến. 

Tác phẩm Vô đề 1 của Nguyễn Quang Bách

Chi tiết

Khi chụp ảnh, chúng ta chỉ có thể ghi lại những điều diễn ra trước mắt. Đó là giới hạn của bộ môn này. Bởi thế những tấm ảnh, khi đứng một mình, trở thành một vài lát cắt rời nhưng cũng mang trong chúng ký hiệu để mời gọi sự chú ý của người xem. 

Một trong vài điều thu hút chúng ta là cách nhiếp ảnh mang những chi tiết trở nên rõ ràng và với sự phóng đại của máy ảnh, lọt vào tầm nhìn của mắt. Vô hình chung khiến chúng ta hướng ánh mắt vào những điều giản dị trong cuộc sống, thường ngày bị bỏ qua. 

Mỗi tấm ảnh là điểm khởi đầu để chúng ta hiểu hơn về thế giới xung quanh, kết nối với những cảm xúc mà cuộc sống đem lại. 

Tác phẩm Gà Luộc Tân Thời của Nguyễn Quang Bách

Khung hình

Bốn cạnh của tấm phim hay bốn cạnh của bộ cảm biến máy ảnh là điểm khởi đầu và cũng là điểm kết thúc. 

Hoạt động chụp ảnh dựa trên quy trình chọn lọc và cắt bỏ. Người làm nghề lựa chọn những điều quan trọng đối với họ và đặt chúng trong khung hình, khiến chúng trở nên quan trọng với người xem nhờ vào tính chất phóng đại của nhiếp ảnh. Mỗi tấm ảnh tuy không diễn tả trọn vẹn một chủ thể nhưng có thể diễn tả một vài khía cạnh của chủ thể và giới thiệu những khía cạnh mới về chủ thể đó. Bên cạnh đó, những tấm ảnh còn tạo nên mối liên kết giữa các chủ thể trong khung hình mà chúng ta chưa nghĩ tới.

Người chụp ảnh phân chia thế giới xung quanh thành những lát cắt. Một phần bầu trời hay một phần cây gỗ chỉ có thể làm chúng ta liên tưởng tới nguyên thể của chúng. Nhưng chúng là những yếu tố tạo nên một tấm ảnh cân bằng về màu sắc hay bố cục. Trong một đám đông nhưng chỉ có hai người ở trong khung hình lại khiến chúng ta tự hỏi rằng có mối liên hệ nào giữa những con người đó không?

Tác phẩm Đào Cành của Nguyễn Quang Bách

Thời gian

Nếu có một yếu tố có thể làm ngưng thời gian, đó là nhiếp ảnh. Với sự phát triển của công nghệ máy ảnh giờ đây mỗi chuyển động của con người, sự vật, xã hội được ghi lại khi màn trập đóng và hiện diện rõ ràng. Khiến chuyển động trở thành trạng thái tĩnh. Tấm ảnh là sự hội tụ mang tính cân bằng của đường kẻ, hình dạng hiện ra từ dòng chảy của cuộc sống.

Khán giả xem ảnh được nhắc nhở về một thời kỳ, một sự kiện, một trạng thái mà họ đã từng trải qua hay nhận ra nơi mình sống đã từng có một diện mạo khác với hiện tại. Đó là những kỷ niệm để chúng ta nhớ đến và mang theo bên mình những cảm xúc. 

Khi cầm máy, người làm nghề nhận ra những điều họ chụp là lát cắt của thời gian, lưu lại một khoảnh khắc về một điều đã trôi qua và sẽ biến mất một lúc nào đó. 

Tác phẩm Đường 30 tháng 4 của Nguyễn Quang Bách

Góc Chụp

Sự phát triển của công nghệ mang đến cho nhiếp ảnh độ linh hoạt cao hơn, phần nhiều vì máy ảnh ngày nay đều khá nhỏ gọn. Chính vì sự nhỏ gọn của công cụ mà người chụp có thể di chuyển nó và từ đó cho ra những tấm ảnh với góc chụp mới lạ. Góc chụp ngang tầm mắt trở thành một sự lựa chọn thay vì là phương án duy nhất. 

Khi đi chụp ở môi trường mở và rộng như phố phường, đồi núi hay bãi biển, góc chụp là yếu tố mang đến nhiều tính tự do nhất cho người chụp. Nếu không thể dời núi và dẹp biển người chụp có thể chọn đứng gần hoặc xa, chụp từ nơi cao hay sát mặt đất. Góc chụp mở ra những hình thái khác của sự vật, sự việc khiến người làm nghề lẫn người xem nhận ra rằng, quang cảnh thế giới này không chỉ có sự đơn giản mà đôi mắt chúng ta nhìn nhận mà còn nhiều mảnh ghép phong phú hơn. 

Tấm ảnh vừa có khả năng làm rõ và bổ trợ sự vật, sự kiện nhưng cũng có thể làm mờ, cắt bỏ một phần của chúng để mang đến hình dạng mới cũng như giới thiệu một cách hiểu, một góc nhìn mới lạ. 

 

Nguyễn Quang Bách viết cho Hoa Ta
Biên tập: BB Trương