Hoa Ta Space

Số 8, Nội khu Mỹ Thái 1A, phường Tân Phú, Quận 7, tpHCM

Mon - Fri: 9:00 - 16:00

Shop online 24/7

Tom Hricko: Nhiếp ảnh là cánh cửa mở ra một hiện hữu khác

Nội dung bài viết

Tom Hricko (sinh năm 1945) là một nhiếp ảnh gia người Mỹ. Ông đã có gần 50 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhiếp ảnh bao gồm cả sáng tác và đào tạo. Đồng thời ông cũng là nhiếp ảnh gia gắn bó thân thiết với Việt Nam khi xem nơi đây là quê hương thứ hai trong suốt 30 năm qua.

Tính ngẫu hứng làm nên sức hút của nhiếp ảnh

Khi còn nhỏ, Tom Hricko đã có lần khám phá ra cả thế giới nhiếp ảnh với bộ dụng cụ phòng tối của cha mình. Vài cái khay, cùng chai, lọ, đèn ruby… đủ để kích thích trí tò mò của một đứa trẻ. Tom bắt đầu thử rửa ảnh từ những tấm phim cũ của gia đình. Quan sát ảnh hiện lên khi ngâm thuốc hiện ảnh, cậu bé thích thú như vừa phát hiện được một điều gì đó vô cùng kỳ diệu. Tuy nhiên niềm vui nhất thời không kéo dài quá lâu, cậu bé Tom dừng việc làm ảnh chỉ sau một năm.

Các tác phẩm của Tom tại triển lãm Hoa Ta Photoshow

Khi học xong cấp ba, Tom Hricko theo đuổi con đường hội hoạ, nhưng chỉ được hai năm thì ông lại bỏ dở. Giữa lúc đó, Tom Hricko lại tự mua một chiếc máy ảnh phim 35mm hiệu Petri và bắt đầu quay lại với thú vui lúc nhỏ. Ông chia sẻ rằng bản thân bị cuốn hút bởi tính ngẫu hứng trong nhiếp ảnh hơn là tính chủ ý trong hội hoạ vì vậy ông quyết định theo học trường nhiếp ảnh, và cứ thế tiếp tục theo đuổi đam mê, chưa bao giờ quay đầu lại.

Sau khi tốt nghiệp, Tom Hricko ở lại trường tiếp tục làm trợ giảng, rồi trở thành giáo viên dạy nghệ thuật cho nhiều trường đại học và trung học. Tom Hricko đã hoạt động liên tục trong ngành nhiếp ảnh kể từ giữa thập niên 70 cho đến nay. Tom đến Việt Nam từ 1994, trong gần 30 năm sống và làm việc tại Việt Nam, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm gắn liền với đất nước con người nơi đây.

Tác phẩm được sinh thành từ mơ và tỉnh

Nguồn cảm hứng cho những tác phẩm của Tom Hricko có một nửa đến từ chính những quan sát của ông trước đời sống, một nửa còn lại thuộc về trực giác của người nghệ sĩ có phần bí ẩn không thể giải thích. Tom nói rằng có rất nhiều hình ảnh tự động xuất hiện trong ông, chính ông cũng không rõ chúng từ đâu tới và bằng cách nào. Có không biết bao nhiêu thứ đã hiện lên trong ông vào những khi ông thao thức, chập chờn giữa mơ và tỉnh. 

Tác phẩm Courtyard của Tom Hricko

Với ông, đó là một phần của quá trình sáng tạo. Từ những gì bản thân nhìn thấy, Tom nghĩ cách chuyển đổi hoặc để chúng tự chuyển đổi trong quá trình tạo ảnh. Theo Tom sức cuốn hút của nhiếp ảnh là những gì quá trình tạo ảnh cho ta thấy mà bình thường con người không thể thấy được. Tom gọi đó là phép màu từ ban sơ đến tận bây giờ nhiếp ảnh đã đem đến cho ông.

Nhiếp ảnh đối với Tom là cánh cửa mở ra một hiện hữu khác, một thế giới khác. Để truyền tải sự kỳ diệu đó vào tác phẩm và đưa đến người thưởng lãm Tom sử dụng những phương pháp biến chuyển được tích lũy từ nhiều năm hoạt động trong ngành. Khi bắt gặp một sự vật, một khoảnh khắc, thay vì vội vã bấm máy, trong đầu Tom lại nảy lên câu hỏi về cách xử lý sự vật, khoảnh khắc đó trong quá trình tạo ảnh như thế nào “để chuyển đổi những điều bình dị thành một cái khác đi, trong một hiện thực khác hay là một hiện hữu khác chẳng hạn”.

Tác phẩm Palm Triptych của Tom Hricko

Sau cái bấm máy, người nghệ sĩ lại tiếp tục chờ đợi điều kỳ diệu hiệu lên trong quá trình xử lý ảnh. Điều kỳ diệu có thể đến hoặc chưa hoặc không bao giờ, nhưng niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ nhiếp ảnh là sau thử nghiệm và chờ đợi, được từng bước mục kiến những chuyển biến trong ảnh. Với Tom có lẽ đó còn là khoảnh khắc được sống lại niềm háo hức của đứa trẻ ngày xưa, của đôi mắt được nhìn ra một thực tại khác đầy mới mẻ. Tom cho biết chính sự cân bằng giữa nguồn cảm hứng bất chợt và quá trình quan sát tỉ mỉ mới mở ra những cơ hội nhìn thấy những điều đặc biệt mà chỉ nhiếp ảnh mới làm được.

 

Một phạm trù nữa trong sáng tác của Tom, ngoài ánh sáng, chính là thời gian. Tom nói rằng thời gian là thứ không thể nhìn thấy được, đặc biệt là khoảng thời gian dài ngắn ra sao, hay thời gian được chồng lên từ nhiều giây phút thế nào, hay là chuỗi nhiều diễn biến xảy ra theo dòng thời gian. Ông thấy khá lý thú khi diễn tả điều đó bằng ảnh và vì vậy, khai thác yếu tố thời gian đưa vào tác phẩm.

Hãy nhìn sâu vào bức ảnh!

Năm 2022, tại triển lãnh ảnh Hoa Ta Photoshow, Tom Hricko đã giới thiệu đến khán giả hai bức ảnh  “Cloud” và “Cloud Dragon” ông chụp tại Vũng Tàu. 

Thời điểm sáng tác Tom sống trong một căn hộ ven biển Vũng Tàu, ban công rộng mở ra vùng biển mênh mông với những dãy núi đồi xa xa về bên phải. Từ ban công ấy, Tom chứng kiến sự luân chuyển của bầu không khí và vạn vật, của sáng và tối, của những đêm trăng huyền diệu. Mọi thứ trước mắt Tom hiện lên như một thước phim dài không ngơi nghỉ. Khung cảnh đó khiến người nghệ sĩ như Tom trở thành người thưởng thức. Ông quan sát, chìm đắm mà không cần phải chụp ảnh, với Tom chỉ ngắm nhìn thôi cũng đủ tuyệt vời. Những ngày đầu đến Việt Nam, trong điều kiện thiếu thốn: không có phòng tối, không có nơi rửa ảnh thích hợp, Tom phải ngừng chụp ảnh mãi đến đầu thập niên 2000s. Niềm khát khao với nghề hình thành trong ông thói quen chụp ảnh bằng trí tưởng tượng.

Tác phẩm Cloud của Tom Hricko

Khi Tom quan sát sự thay đổi của thế giới trước mắt, một hiện hữu khác từ trực giác cũng mở ra trong ông. Những đám mây trong mắt Tom – như “Cloud Dragon” dưới sự chuyển biến của thời tiết, dường như trở thành những sinh vật sống có ý thức riêng nó. Chúng đuổi theo những con thuyền, phả làn sương phủ mờ trùm lên tất cả. Tom không còn thấy đám mây nào cả, chỉ có một con rồng khổng lồ đang thổi sự sống bí ẩn hoặc tước đoạt sự sống từ những ngư dân tí hon bên dưới. 

Để tái hiện lại thực tại mà bản thân đã nhìn thấy cho người xem, trong quá làm ảnh Tom sử dụng một số thủ thuật cường điệu, thay thế hay lấy đi ít nhiều chi tiết, màu sắc, độ sáng tối để khiến chủ thể trở nên bí ẩn hơn. Tom kết hợp sự hấp dẫn vốn có của tự nhiên cùng hiện thực mà con người nghệ sĩ được chứng kiến để tạo ra những bản thể thay thế. Từ bầu trời Vũng Tàu, Tom đưa người xem xuyên qua những cánh cổng không – thời gian, khám phá những thế giới khác, những vũ trụ khác dù khung cảnh trong ảnh dường như vẫn có gì quen thuộc.

Dù gắn bó phần lớn cuộc đời với ảnh phim, Tom Hricko rất cởi mở với công nghệ nhiếp ảnh kỹ thuật số. Từ một người chỉ quen với những thước phim và phòng tối, ông chuyển sang sử dụng máy ảnh số, học cách điều chỉnh để đạt được hiệu quả mong muốn. Tom cũng tìm hiểu và hứng thú với các công cụ hỗ trợ chỉnh sửa ảnh hiện đại hay kỹ thuật in của Hoa Ta VG-Lab. Với Tom chụp ảnh phim hay ảnh kỹ thuật số hoàn toàn không có sự hơn kém, chỉ là hai phương thức khác nhau. Giống như màu nước và sơn dầu hay acrylic, là những chất liệu khác nhau vậy.

Tác phẩm Cloud Dragon của Tom Hricko

Chia sẻ về sự tràn lan của hình ảnh hiện nay, đặc biệt là ảnh selfie đi cùng với sự bùng nổ của điện thoại thông minh và mạng xã hội, Tom cho rằng hiện tượng này khá thú vị. Trong vô vàn những bức ảnh đó, rất nhiều ảnh nông cạn thiếu chiều sâu, chỉ mang tính phô diễn hình tượng cá nhân, nhưng dù muốn hay không thì ông hay bất cứ ai trong chúng ta cũng không thể thoát khỏi xu hướng này. 

Tuy nhiên, nhiếp ảnh mà Tom và nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khác đang theo đuổi vẫn xác lập những giá trị riêng về đời sống và mỹ thuật. Vì lẽ đó Tom nhắn nhủ với khán giả khi tiếp cận và ngắm xem một bức ảnh: “Hãy chậm lại, và đừng chỉ nhìn mà hãy nhìn sâu vào các bức ảnh để thấy được điều ảnh đang hé lộ cho bạn biết, bạn sẽ thấy đầy bất ngờ.”

Cây viết: Liên Võ viết cho Hoa Ta
Biên tập: BB Trương

Video Hoa Ta phỏng vấn Tom Hricko

Sở hữu bản in của tác giả tại gian hàng trực tuyến

Limited edition badge