Nhiếp ảnh, một bộ môn nghệ thuật non trẻ chỉ với 200 năm lịch sử phát triển. Tuy nhiên, bởi tính thông dụng và sự linh hoạt trong việc ứng dụng trong đời sống hàng ngày, các chất liệu của nhiếp ảnh cũng trở nên phong phú vô cùng. Nay Hoa Ta xin được trình bày về một số chất liệu phổ biến trong sưu tầm nhiếp ảnh tại Việt Nam. Xin được chia làm ba danh mục chính là Chất liệu kỹ thuật số, chất liệu truyền thống các chất liệu sáng tạo.
Chất liệu kỹ thuật số
Bởi một phần lớn nhiếp ảnh gia đang hoạt động trong môi trường kỹ thuật số, cho nên in kỹ thuật số được coi là phổ biến nhất ngày nay. Tuy nhiên, in như thế nào mới đạt chất lượng sưu tầm mới là điều đáng lưu tâm.
In kỹ thuật số Giclée
In kỹ thuật số Giclée là kỹ thuật in 2D chất lượng cao nhất trên thế giới ngày nay. Các bản in được sản xuất theo phương pháp này đạt chất lượng quy định của bảo tàng (Đọc thêm về chất lượng bảo tàng). Cho nên đó là kỹ thuật in chính mà Hoa Ta sử dụng để sản xuất các tác phẩm nhiếp ảnh trong bộ sưu tập của mình.
In kỹ thuật số C-print
C-print cũng là một kỹ thuật in được sử dụng nhiều trên thế giới, kể cả trong sưu tầm nhiếp ảnh. Chi phí thực hiện C-print thấp hơn in Giclée, cho nên C-print rất phổ biến trong nhiếp ảnh thương mại. Độ bền của C-print cũng đạt ngưỡng 100 năm nếu sản xuất trong môi trường kiểm soát chất lượng cao. Tuy nhiên, để tìm được một bản in C-print chất lượng cao tại Việt Nam không hề dễ.
Chất liệu truyền thống
Tráng rọi
Tráng rọi truyền thống cũng tạo ra một bản in chất lượng cao. Ở Việt Nam, hiện tại chỉ có vài phòng tráng rọi truyền thống vẫn còn hoạt động. Đáng kể tên trong số đó là phòng tráng rọi đen trắng Noirfoto. Việc sưu tầm các bản in truyền thống càng ngày càng trở nên khó khăn, khi tác phẩm nhiếp ảnh được chụp bằng máy film ngày càng nhiều trở lại, thì tráng rọi vẫn là phương pháp in tối ưu.
Các chất liệu sáng tạo
Cyanotype
Cyanotype là một trong những kỹ thuật in ảnh đơn sắc lâu đời nhất mà không cần dùng đến muối bạc, thay vào đó là muối sắt được sử dụng làm chất nhạy sáng, khiến cho quy trình in ảnh đơn giản hơn, nhanh chóng và chi phí thực hiện cũng thấp hơn.
Cyanotype được phát minh từ năm 1842 nhưng do sắc xanh dương đậm đặc thù mà không thoả mãn được yêu cầu về tính “hiện thực” của những nhiếp ảnh gia thương mại thời bấy giờ. Mãi đến cuối thế kỷ 19, kỹ thuật này mới bắt đầu thịnh hành và được ưa chuộng bởi giới nhiếp ảnh nghệ thuật.
Ngoài ra còn có các kỹ thuật in Gum Print, Platinum Print … đều là những kỹ thuật được phát triển và sử dụng ít phổ biến hơn. Các bản in này cũng rất khó tìm thấy ở Việt Nam bởi chúng cần đến kỹ thuật và phương pháp thực hiện yêu cầu những hoá chất kém phổ biến.
Trong bài viết này Hoa Ta đã giới thiệu một số chất liệu phổ biến nhất trong nhiếp ảnh, từ bản in số, bản in truyền thống cho tới các chất liệu sáng tạo khác. Hoa Ta tin rằng với sự phát triển công nghệ khoa học kỹ thuật như ngày nay, sẽ còn nhiều chất liệu khác sẽ được ra đời để thể hiện tác phẩm nhiếp ảnh.