Hoa Ta Space

Số 8, Nội khu Mỹ Thái 1A, phường Tân Phú, Quận 7, tpHCM

Mon - Fri: 9:00 - 16:00

Shop online 24/7

Nguyễn Xuân Khánh: Nhiếp ảnh không chỉ là “khoảnh khắc”

Nội dung bài viết

Từ những năm 70, Nguyễn Xuân Khánh (sinh năm 1948 tại Phnom Penh) đã có cơ hội tiếp cận với nhiếp ảnh. Thời điểm đó ông được học giáo trình nhiếp ảnh Eurelec của Pháp hay còn gọi là nhiếp ảnh Hàm Thụ. Chính giáo trình này đã góp phần tạo dựng nền tảng cho Nguyễn Xuân Khánh và có ảnh hưởng đến phong cách của ông về sau.

Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh tại Hoa Ta Photoshow 2022-2023

Khi chuyển đến sống tại Việt Nam, những năm tháng làm việc trong ngành giao thông vận tải cho ông cơ hội rong ruổi từ Nam ra Bắc. Trên con đường vĩ tuyến 17, ông chứng kiến những tàn tích của cuộc chiến tranh vừa kết thúc. Trên cầu Bến Hải – nơi “vết thương ngang lưng” của dân tộc vừa lành, ông ước giá như có một chiếc máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc, những sinh hoạt của người miền Bắc lúc ấy vốn khác biệt với đời sống trong miền Nam. Đó cũng là ý tưởng đầu tiên đưa Nguyễn Xuân Khánh đến với nhiếp ảnh.

Nguồn cảm hứng đến từ văn chương và hội họa

Thời gian theo học ban Pháp Văn tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn  (1971-1975)  đã ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn cảm hứng của ông. Tại đây ông không chỉ học về văn chương Pháp mà còn được tìm hiểu về các trường phái của hội họa của phương Tây. Chính vì thế, Nguyễn Xuân Khánh nhấn mạnh nguồn cảm hứng và động lực để ông sáng tác đến từ hai nguồn chính là văn chương và hội họa. Sau Đệ nhị Thế chiến, châu Âu dần quay lại thời đại vàng son (l’âge d’or) trong kinh tế và văn hoá. Bấy giờ, tâm thức con người hướng tìm về những cảm hứng lãng mạn và ấn tượng (Impressionism) trong văn chương và nghệ thuật nói chung. Ông đã được truyền cảm hứng từ đó. Những bức ảnh ông chụp luôn mang phong thái nhẹ nhàng, bàng bạc của thi ca, như mặt hồ trong “Le Lac” của “Lamartine” hay những bức tranh của nghệ thuật ấn tượng như “Luncheon on the Grass” của Édouard Manet.

Điều đó được thể hiện qua các tác phẩm như “Vô đề 1”, “Vô đề 5”, “Vô đề 8”… của ông. Những tác phẩm trên được Nguyễn Xuân Khánh ghi lại trong những lần tìm về Đất Mũi. Trên chiếc ca nô giữa muôn trùng sông nước, ông cảm giác được sự nhỏ bé của con người trước biển cả, sông ngòi. Sự choáng ngợp của mây trời khiến ông nhớ lại ký ức tuổi thơ sống trên đất Campuchia. Những đám mây trong hình dung của ông hiện ra muôn hình vạn trạng, có cái là con vật, có cái là cô vũ công đang múa, phủ rợp trên đầu. Những đám mây khiến hồn người phơi phới, nhẹ nhàng như nệm như bông.

Tác phẩm Vô đề 1 của Nguyễn Xuân Khánh

Nhiếp ảnh là quá trình ghi lại ký ức

Với Nguyễn Xuân Khánh, nghệ thuật nhiếp ảnh hay chính chiếc máy ảnh là công cụ giúp ghi lại những ký ức, giúp chúng ta có một hiểu biết về sự tồn tại của người đã khuất hoặc gửi gắm cho người sau, người chưa biết một hình dung về chính chúng ta. ông gọi những ký ức được lưu giữ ấy là cái “có thực”. 

Theo ông ảnh đơn khó có thể nói hết những sự việc, sự kiện mà tác giả muốn thể hiện. Chỉ có ảnh bộ mới đủ chất, đủ lượng để người xem hiểu tác giả muốn nói đến vấn đề đó như thế nào. Ông cho rằng, một bộ ảnh để thuyết phục được người xem cũng cần phải có những tiêu chí. Những tiêu chí này nó không phải là một công thức rập khuôn, mà là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tác phẩm, dẫn đường cho người xem đi đến vấn đề mà tác giả chuyển tải phía sau bức ảnh.

Một tác phẩm khác của Nguyễn Xuân Khánh tại Hoa Ta Gallery

Hiện thực song hành trong Nhiếp Ảnh

Theo Nguyễn Xuân Khánh, đọc ảnh là phương pháp mang tính tham khảo, không áp đặt. Những hướng dẫn, tiêu chí của phương pháp đọc như bối cảnh lịch sử, các yếu tố tương phản giúp người thưởng thức cảm thụ bức ảnh một cách sâu sắc, đa chiều và nhiều nghĩa hơn. Phương pháp đọc đó, Nguyễn Xuân Khánh cho rằng cũng cần phải có nơi người nghệ sĩ. Bởi, nếu người chụp ảnh không có tư duy nhìn trước cái nghĩa của sự vật từ trong tiềm thức, sẽ không thể nào chuyển tải trọn vẹn cái nghĩa ấy vào khung hình. 

Ông đồng tình với quan niệm của Susan Sontag trong tác phẩm “Bàn về nhiếp ảnh” rằng nhiếp ảnh là một hiện thực song hành. Bởi lẽ chức năng của nhiếp ảnh không phải là chuyển tải cái hiện thực hiện hữu, mà chuyển tải một hiện thực song hành với hiện thực hiện hữu đó. Hiện thực song hành đó đã thẩm thấu qua cái nhìn của tác giả, nhưng cũng sẽ có một hiện thực khác nơi người cảm thụ khi họ nhìn vào tác phẩm. Người cảm thụ cần chuẩn bị cho mình tư duy đó để nhìn ra những hay dở trong tác phẩm thay vì chỉ quan tâm đến khía cạnh kỹ thuật, độ nét, máy ảnh…

Bìa sách Bàn Về Nhiếp Ảnh - Susan Sontag (Trịnh Lữ dịch)

Con đường đào tạo Nhiếp Ảnh

Qua nhiều năm gắn bó với nghề đào tạo nhiếp ảnh ông nhận thấy các học viên ở Việt Nam còn thiệt thòi khi không có tài liệu tiếng Việt để nghiên cứu, trau dồi. Điều đó đòi hỏi nỗ lực rất lớn nơi người học, vì ở giảng đường thầy chỉ có thể truyền đạt một, còn lại trò phải tự học đến chín mười. Hệ thống tài liệu trong các thư viện – nền tảng quan trọng để tự học lại vô cùng thiếu thốn. Mặc dù lớp học của ông nhận được sự hỗ trợ tích cực từ IDECAF nhưng phần nhiều vẫn là sách nước ngoài trong khi năng lực ngoại ngữ của học viên còn hạn chế. Đôi lúc người thầy Nguyễn Xuân Khánh phải ngồi bên cạnh học trò để chỉ dẫn trên từng trang sách, từng hình ảnh để người học tiếp thu cặn kẽ hơn.

Khó khăn thứ hai mà ông nhìn thấy là guồng quay cơm áo gạo tiền đã tạo nên tâm lý học trả bài, học cho xong, học để ra trường mà ít chú trọng đến thực học, thực hành nơi người học. Vì phải đi theo xu hướng “mì ăn liền” của xã hội, nhiều người học đã quên đi “cái riêng” của mình, trong khi đây lại là yếu tố cốt lõi làm nên một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Những bộ ảnh thiếu chiều sâu và sự chiêm nghiệm cứ thế ra đời.

Xu hướng nghệ thuật Nhiếp Ảnh trong thời đại mới

Nguyễn Xuân Khánh quan niệm người nghệ sĩ cần ý thức gọi nhiếp ảnh là “Nghệ thuật nhiếp ảnh” hơn là “Nhiếp ảnh nghệ thuật” với  “Art” – chữ “A” viết hoa – là danh từ, chứ không phải tính từ.

Ông nhận định nhiếp ảnh hiện nay không chỉ là sản phẩm duy nhất do máy ảnh tạo ra mà còn là sản phẩm có thể kết hợp với các bộ môn khác như điện ảnh, hội họa. Chẳng hạn Chris Marker đã tạo ra bộ phim “La Jetée” từ những bức ảnh tĩnh đen trắng được chia cắt, sắp xếp rồi sau đó quay lại để tạo ra hiệu ứng chuyển động hình ảnh hay nghệ sĩ Benjamin Von Wong với dự án nghệ thuật môi trường Straw Pocalypse. Đến đây những bức ảnh không phải được tạo ra từ một thao tác bấm máy nữa, cũng không còn cái gọi là khoảnh khắc quyết định nữa mà nó phải có một thời gian dài, một không gian dài để xây dựng, tạo ra bức ảnh đó. 

Nguyễn Xuân Khánh tin rằng trong tiến trình hiện đại, những công cụ mới sẽ góp phần hỗ trợ cho công việc của nhiếp ảnh gia được nhanh hơn, thuận lợi hơn thay vì khiến nhiếp ảnh chết đi. Minh chứng cho điều đó là các nhà sản xuất máy ảnh ngày càng tinh chỉnh để chiếc máy ảnh thuận tiện hơn cho người sử dụng, hay những file ảnh sẽ không bị hư hỏng như phim cũ. Thêm nữa, cuộc sống tràn ngập hình ảnh thời đại smartphone phản ánh nhu cầu xã hội đối với nhiếp ảnh ngày càng lớn. 

Tuy nhiên, cũng bởi vì sự phát triển quá nhanh, quá lớn, tiếp cận quá dễ dàng, nên người ta dễ không đi vào chiều sâu của nhiếp ảnh. Người trẻ thường ỷ lại, lạm dụng sự thuận tiện, lạm dụng photoshop, mất dần đi căn bản chỉn chu, chăm chút cho một bức ảnh mình tạo ra. Nói như thế cũng không có nghĩa nhiếp ảnh mất đi tính nghệ thuật, các nhiếp ảnh gia trên thế giới như Andreas Gursky vẫn tiếp tục với những phương thức tạo hình cổ điển của họ.

Ở độ tuổi 75, Nguyễn Xuân Khánh vẫn thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện, trò chuyện về nhiếp ảnh để vừa giúp người trẻ có thêm kiến thức đó, vừa truyền lửa, củng cố suy nghĩ làm nghề nghiêm túc trong họ.

 

Cây viết: Liên Võ viết cho Hoa Ta
Biên tập: BB Trương

Video Hoa Ta phỏng vấn tác giả Nguyễn Xuân Khánh

Sở hữu bản in của tác giả tại gian hàng trực tuyến