(Ảnh bìa: Nhân viên phòng tranh đang di chuyển tác phẩm “Paris, Montparnasse (1993) của Andreas Gursky, được bán qua Sotheby’s với giá 1,482,500 GBP – Khoảng 45 tỷ Việt Nam đồng/ Ảnh chụp: LEWIS WHYLD/PA IMAGES VIA GETTY IMAGES 2013)
Daniel Sallick là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bảo tàng Hirshhorn and Sculpture Garden, Washington, Mỹ. Ông cũng là nhà đồng sáng lập công ty Subject Matter+Kivvit, một công ty truyền thông và vận động quốc gia. Bài viết này nêu lên quan điểm cá nhân của ông.
Từ khi iPhone ra đời 16 năm trước, rồi đến Instagram mười năm tiếp theo lấn sân sang thế giới nghệ thuật, sự tràn ngập hình ảnh làm lu mờ đi khái niệm: điều gì làm nên nhiếp ảnh tuyệt diệu. Mỗi ngày có hàng tỷ hình ảnh được chia sẻ trực tuyến. Thế mà, thị trường nhiếp ảnh Đương Đại lại đi xuống, khiến nhiều ngôi sao sáng trong ngành phải rơi rụng.
Xu hướng tự điều chỉnh của thị trường đã bị vượt quá mức – là điều tôi lo ngại đang diễn ra với nhiếp ảnh Đương Đại. Dẫu vậy, một loại hình có đóng góp rất nhiều cho thế giới – và lịch sử nghệ thuật – xứng đáng có được sự phục hưng.
Bản thân tôi nhận định Nhiếp Ảnh là nghệ thuật và bắt đầu chọn lựa đưa vào bộ sưu tập của mình từ những năm 2000. Tôi còn nhớ những phiên Art Basel đầu tiên ở Miami Beach, khi các gian hàng đầy ắp tác phẩm nhiếp ảnh đương đại khổ lớn đặc sắc. Tôi không chỉ bị choáng ngợp bởi sự hoành tráng về kích thước so với mức giá đưa ra, mà còn về khả năng kể chuyện đặc hữu của bộ môn này.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, dường như giá trị hiện kim của nhiếp ảnh Đương Đại bị sa sút bởi sự tràn lan hình ảnh xung quanh chúng ta. Với suy nghĩ đó, tôi cho rằng đây là thời điểm nhà sưu tầm nên tìm về với nhiếp ảnh, phân tách ảnh selfie (tự sướng) với các tác phẩm ảnh cao quý thật sự. Tôi đề xuất điều này không phải với tư cách là một nhà đầu tư mà với tinh thần của một người thật sự tin tưởng rằng: những ai tìm đến với bộ môn này sẽ được tưởng thưởng bằng các tác phẩm chất lượng bảo tàng với giá cả hấp dẫn, đồng thời cũng sẽ khám phá ra một thế hệ nghệ sĩ mới sử dụng nhiếp ảnh theo cách thức đầy thách thức, ngay cả khi sân khấu chính vẫn dành cho hội hoạ.
Để hiểu thêm về sự suy thoái thị trường trong một thập kỷ qua, ta có thể xem xét trường hợp của Andreas Gursky, người được xem là nhiếp ảnh gia hàng đầu trong thời đại của ông. Từ năm 2006 đến 2017, ông có 32 tác phẩm được bán đấu giá trên 1 triệu đô la Mỹ. Dù vậy, từ đó đến nay chưa có tác phẩm nào đạt được mức giá trên. Tháng 11 năm 2010, một bức ảnh ấn tượng ông chụp ở Bắc Triều Tiên – thuộc bộ ảnh “Pyongyang” khảo sát về sự độc tài của chính phủ sở tại đặt lên người dân – được bán ở Sotheby’s London với giá 2.13 triệu đô la. Mười năm sau, tháng 10 năm 2021, một ảnh tương tự trong bộ 7 bức này ( tôi có thông tin từng bán ở thị trường sơ cấp hơn 1 triệu đô la) được định giá mua chỉ từ 440.000 đến 577.000 đô la.
Từ Thomas Struth đến Hiroshi Sugimoto, có khá nhiều ví dụ cho những tuyệt phẩm đã và đang bị giảm giá trị. Từ 2007 đến 2008, 4 bức ảnh cảnh biển nổi tiếng của Sugimoto bán với giá hơn 1 triệu đô la Mỹ. Nhưng từ năm 2009 đến nay, có hơn 12 tác phẩm chỉ bán đấu giá ở mức từ 300.000 đến 500.000 đô la; ngay tại thời điểm mà danh tiếng tác giả đã được công nhận quốc tế, và ngày càng nhiều bảo tàng đại diện cho ông hơn.
Sự thiếu đồng nhất giữa giá trị hiện kim và vai trò lịch sử cũng xảy ra với các tác phẩm của Louise Lawler, một tên tuổi nổi bật trong trào lưu Thế Hệ Hình Ảnh (Picture Generation). Một khảo sát quan trọng của Bảo tàng Nghệ Thuật Hiện Đại (MoMA), thực hiện năm 2016, cho thấy Lawler đã được nhiều Bảo tàng lớn trên thế giới đại diện. Tác phẩm của bà được đấu giá cao nhất chỉ đến 341.000 đô la, là bức ảnh chụp tác phẩm Marilyn Monroe của Andy Warhol. Hiện nay, tác phẩm của bà được đấu giá với mức còn khiêm tốn hơn – đa số đều dưới 75.000 đô la, một số còn không thể bán được.
Đem so sánh với một số họa sĩ trẻ thường có tác phẩm bán với giá 1 triệu đô la, nhưng chưa từng được một bảo tàng lớn (hay thậm chí nhỏ) nào nhắc đến. Dĩ nhiên nhiều người trong số họ đầy tiềm năng hứa hẹn, nhưng với viễn cảnh tốt nhất thì cũng mấy mươi năm sau nữa, họ mới có cơ hội được giới chuyên môn đánh giá cao như những gì Lawler đã có.
Hệ thống phiên bản trong nhiếp ảnh – ví dụ một số nhiếp ảnh gia chỉ bán tối đa 10 phiên bản cho 1 bức ảnh – rõ ràng có tác động nhất định đến giá thành. Tuy nhiên, hệ thống này cũng chỉ mới tồn tại từ những năm đầu 2000, lúc thị trường đang sôi động và trên đà phát triển nhất.
Giá thành cứ giảm theo thời gian, tôi tự hỏi: Vì sao?
Trong một dịp tình cờ, có lẽ tôi đã phần nào trả lời được câu hỏi đó. Mùa thu năm ngoái, vợ chồng tôi có tổ chức một sự kiện nho nhỏ trên tầng quán cà phê gần nhà ở Washington: “Back-to-Fall Summer Photo Contest” (tạm dịch: Sang Thu – Thi Ảnh Chụp Hè), chủ yếu để kết nối bạn bè và khoe ảnh du lịch với nhau. Kha khá bạn bè và hàng xóm hưởng ứng lời kêu gọi của vợ tôi tham gia cuộc thi. Họ gửi nhiều ảnh, một số được in khổ lớn, thậm chí còn được ép phẳng (mounted).
Các bức ảnh bao hàm nhiều phong cách thời thượng nổi tiếng, từ phong cảnh đến trừu tượng. Với nỗ lực bắt chước Wolfgang Tillmans xuất chúng – người vừa có triển lãm “bom tấn” tại MoMA năm 2022, tôi đã chọn bức ảnh mình chụp nhanh (snapshot) sợi dây câu cá màu vàng trên nền trời xanh lơ để trưng bày.
Sau vài lượt bia rượu thì người thắng cuộc được xướng tên. Giải thưởng thuộc về một bức ảnh đẹp bạn tôi chụp, lấy cảm hứng từ cách chụp qua gương của nữ nhiếp ảnh gia người Pháp Ilse Bing. Lẽ dĩ nhiên, bạn tôi không phải là Ilse Bing, còn tôi, khi tôi cố gắng để trở thành Wolfgang Tillmans, tôi càng không phải là Wolfgang Tillmans.
Tiếp theo, chúng tôi cũng đăng tải các sáng tác đó lên Instagram. Ngồi lướt xem lại ảnh, tôi chợt nhận ra rằng Ansel Adams có cái lý của ông khi nói “Bạn không chụp ảnh, mà tạo ra ảnh” (“you don’t take a photograph, you make it”). Tất cả ảnh chúng tôi chụp rõ ràng là thiên về chụp nhanh, “bắn” liên tiếp bằng điện thoại, do ngẫu nhiên may mắn chứ không phải tỉ mỉ tính toán bố cục, hoặc thể hiện một tầm nhìn đột phá độc đáo nào đó.
Dù cho số lượng ảnh trên điện thoại thông minh nhiều vô số (riêng tôi có hơn 13.000 ảnh), giá trị tác phẩm nhiếp ảnh Đương Đại tại các sàn đấu giá lại giảm, quá nhiều người trong chúng ta đã đánh mất cảm giác rung động khi khám phá nhiếp ảnh, dù đang hiển hiện ngay trước mắt chúng ta. Nghệ sĩ khắp nơi trên thế giới, từ Zanele Muholi của Nam Phi đến Deana Lawson ở New York, đang sử dụng nhiếp ảnh để thách thức người xem về các vấn đề chủng tộc, giới tính, và bất công. Trong cuốn sách The New Black Vanguard (tạm dịch: Tân Hắc Tiên Phong), Antwaun Sargent, người đã đi lên từ vai trò là nhà văn trở thành giám tuyển độc lập và giám đốc gallery Gagosian, viết về cách làm thế nào các nghệ sĩ da màu thế hệ mới có thể xoá nhoà ranh giới giữa nhiếp ảnh thời trang và mỹ thuật bằng hiệu ứng ấn tượng, nâng tầm những nghệ sĩ như Awol Erizku. Riêng về mảng ý niệm, các nhiếp ảnh gia như Elad Lassry và Taryn Simon vẫn đang nối tiếp trên nền tảng lịch sử do Lawler và bao người khác đã xây dựng.
Khi tôi đặt vấn đề về sự đi xuống của thị trường nhiếp ảnh quốc tế với Darius Himes, trưởng ban nhiếp ảnh quốc tế của Christie’s, anh diễn giải cho tôi với một tầm nhìn xa thú vị hơn. Theo anh, 25 nhiếp ảnh gia đương đại thành công nhất hiện nay đang được đại diện bởi các gallery blue-chip lớn (gallery chuyên đại diện những tác phẩm/nghệ sĩ đã có tên tuổi). Các gallery này lại quy tụ tác phẩm từ tất cả các loại hình nghệ thuật mà không thật sự chuyên sâu về nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh, Himes nhấn mạnh, không còn được xem là thị trường ngách như đã từng tồn tại trong suốt thế kỷ 20.
Anh cũng chỉ ra những điểm sáng trên thị trường hiện nay như các kiệt tác quý hiếm của thế kỷ 19 và 20 đang tăng giá, cho thấy nhiếp ảnh đã góp phần vào một thị trường vững mạnh, sẽ duy trì và phát triển dài lâu. Dĩ nhiên, cũng rất cần sự hỗ trợ của các bảo tàng lớn. Từ triển lãm Tillmans ở MoMA’s đến khảo sát Hirshhorn đang thực hiện về nhiếp ảnh đương đại Trung Quốc, rồi triển lãm Muholi năm 2021 của Tate Modern, nhiếp ảnh vẫn đang tiếp tục chiếm vị trí xứng đáng trong hệ thống phân cấp của thế giới nghệ thuật.
“Chúng ta đã thắng”. Himes nói. “Nhiếp ảnh đã được công nhận là nghệ thuật”.
Có lẽ cũng như tất cả các loại hình nghệ thuật khác, thị trường nhiếp ảnh sẽ tuần hoàn theo chu kỳ nhất định. Và khi tất cả chúng ta vẫn quẩn quanh với chiếc điện thoại thông minh, thì Nhiếp ảnh Đương Đại sẽ lại được tận hưởng hào quang xứng đáng với nó.
Mời đọc bài viết gốc: LINK BÀI VIẾT