Nội dung bài viết
Bạch Nam Hải (Danny Bach) là một nhiếp ảnh gia người Việt với chuyên môn ảnh tư liệu và chân dung, anh cũng là chuyên gia kỹ thuật in của phòng in kỹ thuật số VG-Lab, giám đốc Công ty Hoa Ta. Khởi đầu từ niềm yêu thích ghi lại những kỷ niệm gia đình bằng hình ảnh, Bạch Nam Hải dần dấn thân vào con đường nhiếp ảnh nghiêm túc. Rồi từ đó anh bắt đầu khám phá và gắn bó với thế giới rộng lớn của nhiếp ảnh.
Từ đam mê đến con đường sự nghiệp
Tình yêu nhiếp ảnh đến với Bạch Nam Hải khi còn là một thiếu niên học trung học, nhen nhóm từ sự hiếu kỳ với chiếc máy ảnh. Trong mắt anh đó là một thiết bị cấu tạo tinh xảo và phức tạp, từng chi tiết đều đẹp đẽ chính xác. Như bao bạn trẻ cùng thời, ban đầu anh chụp ảnh kỷ niệm cho gia đình bạn bè, rồi tìm hiểu thêm công năng của máy, tự học các lý thuyết về nhiếp ảnh. Từ máy ảnh du lịch phim 35mm đến máy kỹ thuật số về sau, anh dần thử nghiệm nhiều hơn những điều lượm lặt tìm đọc được.
Những tưởng tất cả chỉ dừng lại là một sở thích cá nhân bên cạnh nhiều sở thích tuổi trẻ khác, Bạch Nam Hải không ngờ niềm yêu thích dần trở thành gắn bó, từ gắn bó anh lại mạnh dạn chọn đây là con đường sự nghiệp nghiêm túc cho mình. Năm 2013, khi đang học năm 3 ngành Quản trị Kinh Doanh ở trường Đại học RMIT tại Úc, anh nộp hồ sơ chuyển sang học ngành Nhiếp ảnh và Công nghệ hình ảnh cũng tại trường này. Khoá học không chỉ trang bị cho anh kiến thức chuyên sâu, mà còn đòi hỏi thực hành từ chụp ảnh đến sản xuất ảnh sao cho đạt chất lượng tối ưu nhất.
Trong quá trình học tập, Bạch Nam Hải nhận thấy bản thân chịu ảnh hưởng nhiều từ ba nhân vật là Elliott Erwitt, Alex Webb và Michael Coyne (nhiếp ảnh gia tư liệu người Úc mà anh có cơ hội phỏng vấn trực tiếp). Được học về họ, anh thấy được truyền cảm hứng, được gợi mở những động lực và ý tưởng mới. Bạch Nam Hải chia sẻ rằng, điều quan trọng mà anh học được ở những nhiếp ảnh gia này là năng lượng của họ, từ cách trau dồi bản thân đến cách suy nghĩ, giao tiếp đều rất ấm áp dễ gần và tích cực.
Cảm hứng từ thư họa và triết lý Á Đông
Trở về nước năm 2017, anh mở phòng in VG-Lab, hiện nay được chứng nhận bởi cả hai hãng giấy uy tín thế giới là Hahnemühle và Ilford. Đối mặt với một thị trường non trẻ và thưa thớt, do cơ duyên cũng là để duy trì hoạt động phòng in, anh mở thương hiệu Đông Á Danh Hoạ để tái bản (phục dựng) lại các bức thư hoạ cổ Á Đông. Quá trình chọn tranh để giới thiệu cũng là quá trình anh học về các thư hoạ gia, về các tác phẩm hàm chứa tư tưởng và học thuật Á Đông, chiêm nghiệm về thịnh-suy-bĩ-thái của đời người và các trường phái.
Từ đó, Bạch Nam Hải nhận định thời nào cũng vậy, nghề nào cũng vậy, để theo đuổi điều mình tin tưởng đều phải trải qua nhiều thăng trầm thử thách mà người làm nghề phải tôn trọng nghề, tôn trọng lẫn nhau, bền chí mới thành được. Vẻ đẹp trăm năm, thậm chí ngàn năm đến nay hậu thế vẫn trầm trồ thán phục, anh cho rằng điều quan trọng không chỉ ở cái sắc bên ngoài mà còn ở tính triết học sâu xa mang ảnh hưởng của Tam giáo Phật-Đạo-Nho, ở tâm hồn, tri thức và nhân cách riêng mỗi tác giả.
Con người là chủ đề bất tận
Có một chủ đề mà Bạch Nam Hải luôn theo đuổi xuyên suốt kể từ khi bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh đó là con người. Trước đây, anh thậm chí còn đặt ra một nguyên tắc là trong bất cứ bức ảnh nào mình chụp, đều phải có con người. Tuy nhiên, dần dần anh nhận ra yếu tố con người tồn tại cả trong những nơi không có hình bóng họ. Anh bắt đầu tìm kiếm sự hiện diện của con người trên sự vật, chụp những thứ do con người tạo ra. Với anh, con người chính là nguồn cảm hứng bất tận.
Xa cách quê hương trong vài năm, dù ngắn ngủi cũng đủ tạo cho anh một ly kiến mới về nơi chôn nhau cắt rốn. Có thể nói, khi có cái nhìn của một người khách lạ, anh mới nhận ra mọi thứ ở Việt Nam thật diệu kỳ. Từ đó, Bạch Nam Hải thực hiện bộ ảnh “Một Việt Nam tôi muốn giữ gìn”. Dự án kéo dài hơn chín năm, tranh thủ chụp ảnh khi rảnh rỗi ngoài công việc. Quá trình thực hiện bộ ảnh giúp anh có cơ hội quan sát Việt Nam tốt hơn, rộng hơn.
Động lực truyền cảm hứng cho anh cũng không gì khác hơn là con người Việt Nam, xã hội, văn hóa Việt Nam. Dự án này anh cho là không có điểm dừng, chỉ cần có điều kiện anh sẽ tiếp tục, bởi nhân sinh là một chủ đề rộng lớn mà gói gọn vào Việt Nam thì một đời cũng chưa chắc gồm thâu hết được.
Tính khách quan quyết định vòng đời tác phẩm ảnh tư liệu
Nhiếp ảnh tư liệu là một mảng quan trọng trong sự nghiệp của Bạch Nam Hải, anh luôn đề cập đến phẩm chất của nhiếp ảnh gia tư liệu là phải kiểm soát cảm xúc để củng cố tính khách quan cho câu chuyện. Theo anh một bức ảnh tư liệu đưa ra quan điểm, ý định của người chụp quá rõ ràng, gượng ép thì bức ảnh đó không khác gì ảnh quảng cáo. Điểm khác nhau chỉ là thứ được tuyên truyền trong ảnh không phải là sản phẩm mà là tư tưởng của người chụp.
Thực tế, bản thân tư tưởng mỗi người luôn thay đổi trong quá trình sống của họ, nên việc áp đặt thông điệp khiến vòng đời tác phẩm cũng chỉ thu lại bằng với thời gian tư tưởng đó tồn tại, trước khi bị thay thế. Để vòng đời tác phẩm được xa, rộng và dài, tính khách quan là yếu tố cốt lõi. Có như thế, mỗi người tiếp cận mới có cách lý giải riêng về thông điệp trong ảnh, không chỉ một hướng do người chụp cố tình áp đặt lên.
Đề cao tính khách quan trong ảnh, các giải thưởng nhiếp ảnh tư liệu hiện nay yêu cầu người chụp không được tác động đến diễn biến câu chuyện. Bạch Nam Hải cho rằng, cái gọi là “không ảnh hưởng đến câu chuyện” rất rộng, bản thân sự xuất hiện của người cầm máy cũng tạo ít nhiều khác biệt. Phản ứng của nhân vật khi có và không có nhiếp ảnh gia thường không giống nhau. Vì vậy người chụp ảnh cần cẩn thận ngay từ bước đầu tiên, để sự có mặt của mình không làm thay đổi đường đi của câu chuyện. Tương tự, khi biên tập cũng cần biết tiết chế cái tôi để đảm bảo sự trong sáng cho ảnh.
Thêm nữa, chiều sâu tư tưởng đưa vào tác phẩm là thứ không thể đo đếm được. Tác giả phải học cách định hướng bằng trực giác, đào sâu từng vỉa tầng qua năm tháng, càng đào sâu thì sức sống của tác phẩm càng không có điểm dừng.
Không tồn tại một sự thật toàn diện trong ảnh
Ở vị trí của một nhiếp ảnh gia tư liệu, yếu tố “sự thật” trong ảnh chụp là điều khiến anh phải suy tư. Bạch Nam Hải quan niệm sự thật là một thứ bất định. “Sự thật” thực tế chỉ có trời và đất quan sát được, còn “sự thật” của bản thân mỗi người là do họ tự quan sát, tự lý giải một cách riêng khác nhau.
Vì vậy Bạch Nam Hải cho rằng sự thật trong ảnh là sự thật đã qua lăng kính của người chụp ảnh, họ chọn khung hình và khoảnh khắc đó để ghi lại. Nó vừa liên quan nhưng đồng thời cũng không liên quan đến “sự thật toàn diện”. Nó chỉ là một phần của sự thật, một phần của góc nhìn. Và góc nhìn đó thể hiện được bao nhiêu khía cạnh của sự thật còn phụ thuộc vào khả năng đào sâu đến đâu của người chụp. Về bản chất, “sự thật toàn diện” không tồn tại trong ảnh.
Học cách dung hòa cùng kỷ nguyên kỹ thuật số
Công việc không cho anh nhiều thời gian đi chụp ảnh, tuy nhiên, đây là nơi giúp anh gặp gỡ kết giao nhiều nhiếp ảnh gia và hoạ sĩ đương đại. Qua những cuộc trò chuyện, anh biết thêm về quá trình tư duy và thực hiện sáng tác của họ. Thế nên, anh vẫn luôn có không gian để suy nghĩ về nhiếp ảnh. Anh khám phá ra ngoài kia có biết bao người tài giỏi vẫn miệt mài chăm chỉ làm việc. Tác phẩm của họ mỗi người có nét đặc trưng riêng, cho thấy sự phong phú và sâu rộng của nền tranh ảnh mà mình đang làm.
Bạch Nam Hải nói rằng anh thấy biết ơn kỷ nguyên kỹ thuật số. Chính vì có kỹ thuật số anh mới được tiếp xúc với nhiếp ảnh một cách dễ dàng. Kỷ nguyên số ảnh hưởng rất lớn đến quãng thời gian đầu tiên khi anh đến với nhiếp ảnh, giúp anh tự học về nhiếp ảnh, chạm tay vào lĩnh vực đôi khi không dễ gì tiếp cận. Anh nhìn nhận sự phát triển của công nghệ là làn sóng lịch sử không cá nhân nào có thể cưỡng lại, vì thế anh chọn cách thỏa hiệp và tìm cách dung hòa.
Thực tế, công nghệ kỹ thuật số giúp người xem tiếp cận tác phẩm nghệ thuật dễ dàng hơn, dù là tranh hay ảnh. Tuy nhiên công nghệ cũng tồn tại những mặt trái của nó, mà chúng ta phải quan sát hướng đi của công nghệ, nhìn trước những rủi ro và cơ hội, khai thác lợi ích từ kỹ thuật số thay vì cự tuyệt.
Ước muốn thay đổi cái nhìn về nhiếp ảnh
Tại triển lãm Hoa Ta Show, Bạch Nam Hải mang đến các tác phẩm “Vàng Mã”, “Sân Chùa” và “Cửa Tây – chợ Bến Thành”. Ba bức ảnh, ba địa điểm, ba khoảnh khắc phản ánh những sắc thái khác nhau trong đời sống người Việt. Với Vàng Mã, đó là lần đầu tiên anh tham dự vào một buổi hầu đồng Đạo Mẫu – Tín ngưỡng của người Việt. Trong buổi lễ, Vàng Mã hiện lên vừa dễ thương lại vừa uy nghi thần thánh, với những ấn tượng đó anh đã thực hiện một bức ảnh chân dung cho Vàng Mã.
Với “Sân Chùa”, Bạch Nam Hải chia sẻ chùa Trầm là nơi anh lui tới nhiều lần, lần nào cũng cảm nhận được sự linh thiêng tĩnh lặng. Nhưng bức ảnh này được chụp vào dịp lễ hội đông người nên không khí đó có phần bớt đi sự lạnh lùng. Anh chia sẻ mình đã ngỡ ngàng trước cảnh vật tươi sáng trong khoảnh khắc đó, khi nắng chiều dần tắt chiếu vàng rực khoảnh sân tổ chức ăn uống cho người đi hội.
Còn bức “Cửa Tây – chợ Bến Thành” là ảnh anh chụp Cửa Tây chợ, nằm trong chuỗi ảnh anh chụp từ trước dịch Covid đến nay chưa hoàn thiện. Bạch Nam Hải nói anh có hứng thú chụp ảnh chợ trên mọi miền đất nước. Nơi nào đến anh đều bắt đầu chụp chợ trước tiên. Ở Sài Gòn anh đã chụp qua nhiều chợ, nhưng anh đặc biệt ấn tượng với chợ Bến Thành. Theo anh, bức ảnh vừa lưu giữ được kiến trúc ngôi chợ cổ vừa mang tính thời sự liên quan đến sinh hoạt con người giữa dịch Covid.
Qua những tác phẩm của mình, Bạch Nam Hải hy vọng người xem sẽ cảm nhận được cảm xúc ẩn chứa bên trong. Anh trông đợi cái nhìn về nhiếp ảnh sẽ được thay đổi theo chiều hướng tích cực, sâu sắc hơn, rộng rãi hơn. Để người thưởng thức thấu triệt nội dung của cả cuộc triển lãm chứ không chỉ nhìn vào một bức ảnh mà chỉ nghĩ đến kỹ thuật đằng sau nó.
—
Writer: Liên Võ for Hoa Ta
Editor: BB Trương