Nội dung bài viết
Hoàng Thế Nhiệm được biết đến là một nhiếp ảnh gia tài ba trong thể loại phong cảnh. Thành tựu đó không phải chủ yếu đến từ truyền thống gia đình hay năng khiếu bẩm sinh, mà là kết quả của quá trình khám phá và không ngừng học hỏi từ triết lý nhân sinh đến những cuộc hành trình bôn ba chinh phục thế giới.
Từ viễn thông hàng hải đến con đường nhiếp ảnh
Từ nhỏ Hoàng Thế Nhiệm đã có cơ hội sử dụng chiếc máy ảnh riêng của gia đình. Chiếc máy đã ghi lại những hình ảnh và kỷ niệm gia đình cùng bạn bè thời niên thiếu khi ông còn đi học. Đó cũng là chiếc máy đã cùng ông những ngày đầu tiên bước chân ra thế giới, lang thang khắp Singapore, Hồng Kông đến Nhật Bản và một phần của Liên Xô – cảng Vladivostok.
Càng đi nhiều, thấy nhiều, ông càng cảm nhận được sự rộng lớn và hiện đại của thế giới, từ cảnh quan, con người cho đến thiết bị, khoa học kỹ thuật. Ông và các đồng nghiệp cảm thấy choáng ngợp như vừa bước ra khỏi một không gian khép kín, ngay cả chiếc máy ảnh cũ cũng có phần lạc hậu. Đó cũng là bước đầu để ông bắt đầu chạm đến nhiếp ảnh dù không phải công việc chuyên môn.
Thế là trong những chuyến đi, Hoàng Thế Nhiệm bắt đầu tìm hiểu, tìm mua, và nghiên cứu những chiếc máy ảnh của Nhật. Ông thật sự phấn khích bởi công nghệ lấy nét tự động (autofocus), là một công nghệ mới của thập niên 70s và 80s. Từ chỗ chỉ hứng thú với công nghệ và chụp ảnh một cách cảm tính, ông dần dần đi vào con đường chụp ảnh có chủ ý, bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến đối tượng, cảnh quan trước khi bấm máy.
Mỗi thân phận cầm máy mang một chiêm nghiệm khác nhau
Đến năm 1993, Hoàng Thế Nhiệm có một quyết định mang tính bước ngoặt là chuyển công việc. Công việc viễn thông trong ngành hàng hải mang lại cho ông thu nhập cao, nhưng khá cực nhọc và thường xuyên phải xa gia đình vì vậy ông lựa chọn “cập bến”, trở lại bờ sau những năm tháng giong buồm bôn ba tứ xứ.
Trong thời gian chờ tìm công việc mới ông được bạn bè khuyến khích trải nghiệm với nghề nhiếp ảnh cùng các bộ máy ảnh ông từng sưu tầm trước đó. Và đến cuối năm 1993 đầu năm 1994, ông thực hiện chuyến đi xuyên Việt đầu tiên của mình. Dù bước chân đã đi khắp Đông Nam Á nhưng đây là lần đầu tiên Hoàng Thế Nhiệm đi dọc dải đất hình chữ S, khởi đầu từ Sài Gòn ra tới Sapa (tỉnh Lào Cai). Chuyến đi giúp ông nhận ra đất nước mình quá đẹp, không thua gì những địa danh nổi tiếng như Singapore, Hồng Kông, Nhật hay là Nga. Ý tưởng chụp phong cảnh của ông ra đời từ đó, những chiếc máy ảnh trong tủ giờ đây được hoạt động đúng công năng của chúng.
Hoàng Thế Nhiệm nhấn mạnh mỗi người chụp ảnh đều có một cách nhìn riêng, ông gọi là “quan điểm nhìn”. Quan điểm nhìn là sự kết hợp giữa kinh nghiệm cầm máy và sự chiêm nghiệm cuộc sống của riêng họ, trong đó có cả tâm linh và sự hiện hữu của gia đình xã hội. Vì vậy, nhiếp ảnh của mỗi cá nhân đều có sự khác biệt độc lập, và điều đó rất quan trọng và đáng để học hỏi.
Với ông, một người cầm máy lâu năm chưa hẳn đã là một người chụp giỏi, điều đó còn phụ thuộc nhiều vào vốn sống và sự rèn luyện tay nghề của mỗi người. Ngược lại, cầm máy lâu năm dễ khiến người ta sa đà trong cái chủ quan, cái tôi cao của bản thân mà khó cởi mở và học hỏi thêm điều mới, ý tưởng mới, chủ đề mới hay cách tiếp cận mới.
Cõi thiên nhiên cũng tương đồng như cõi nhân sinh
Hoàng Thế Nhiệm cho rằng điều quan trọng khi chụp ảnh phong cảnh không chỉ là đưa được hiện thực thu vào đôi mắt người chụp, mà còn phải truyền tải được cả tinh thần, cảm giác và suy tư tác giả. Điều này đòi hỏi sự mẫn cảm của người chụp với điều kiện môi trường chụp ảnh, ví dụ như thời tiết chẳng hạn. Thời tiết là yếu tố không thể kiểm soát đối với nhiếp ảnh gia phong cảnh. Ngày mới vào nghề, ông rất ngại thời tiết xấu, làm cho những bức ảnh trở nên xám xịt, vô vị. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm và rèn luyện nhiều năm với máy ảnh phim, ông đã linh động để tạo ra những bức ảnh giàu cảm xúc, ẩn giấu triết lý nhân sinh trong tâm tư của mình.
Hoàng Thế Nhiệm để cao triết lý Osho là nguồn cảm hứng trong tác phẩm của ông, cũng như tư duy truyền thống Phật giáo của gia đình. Những tư tưởng đó là nền tảng để quan sát, suy nghĩ, cảm nhận mỗi khi đứng trước phong cảnh thiên nhiên, dù là ở Việt Nam hay nước ngoài. Những câu chuyện Phật giáo Tây Tạng cũng mở ra cho ông mối liên kết tương đồng giữa cõi nhân sinh và thiên nhiên vạn vật: có sống chết, có tái sinh, có luân hồi…
Với tư tưởng tâm hồn đó, Hoàng Thế Nhiệm đi tìm chụp những cái đẹp ý nhị tinh tế mà sâu sắc trong phong cảnh. Ông thôi không chụp những cái đẹp ông gọi là “đại trà” – là cái đẹp phần đông ai cũng nhận ra dù là người xem ảnh hay người tạo ảnh. Sự lộng lẫy choáng ngợp của đại cảnh thiên nhiên là một ví dụ, đã trở thành chủ đề tương tự nhau trong ảnh của nhiều nhiếp ảnh gia khác nhau. Câu hỏi đặt ra là: dấu ấn riêng của tác giả ở đâu? Chủ đề trong ảnh của Hoàng Thế Nhiệm hiện giờ đôi khi chỉ là cái cây, hòn đá, con đường… Nhưng tất cả đều đòi hỏi khả năng quan sát và trau chuốt của người chụp để bắt lấy những khoảnh khắc sắc thái của phong cảnh.
Toàn bộ sự dụng tâm đó thể hiện rõ nét qua tác phẩm Vịnh Hạ Long – một tác phẩm yêu thích của ông. Ông kể rằng đó là một sáng đầu thu đặt biệt, bình minh phảng phất sương mù. Sáu giờ sáng, ông thuê ca nô chạy vòng quanh vịnh. Ngang qua Hòn Gà Chọi thì từ xa thấy có một ngư dân chèo thuyền nan (thuyền đặc trưng của người Hạ Long) tới câu cá. Bóng người lẩn khuất trong sương mù hiện lên như một bức tranh thủy mặc. Ông đã nhanh chóng đưa ca nô đến gần để kịp chụp lại khung cảnh trước khi ngư dân rời đi. Hoàng Thế Nhiệm chia sẻ đó là một khoảnh khắc hiếm gặp, bởi ở đó có sự tương hội hoàn hảo của sắc độ, thời tiết sương mù và người câu cá. Điều mà nhiều lần về sau ông lui tới Hạ Long, ông đều không gặp lại được nữa.
Bản in mới là tác phẩm nhiếp ảnh đích thực
Đi qua buổi giao thời của nhiếp ảnh, Hoàng Thế Nhiệm có cơ hội chứng kiến bước đi dài của công nghệ chụp ảnh. Ông nhớ lại buổi đầu tìm hiểu nhiếp ảnh với ảnh phim, từ việc phải chọn loại phim tốt để đảm bảo chất lượng ảnh, canh chỉnh làm sao cho đúng bố cục để ra được dương bản tốt nhất, và ông cũng nhất quán với format ảnh vuông như một phong cách riêng đến tận bây giờ.
Ông so sánh lúc trước, người chụp ảnh với máy phim đòi hỏi phải có trình độ hiểu biết nhất định. Ngày nay, máy ảnh hiện đại “làm thay” công việc của người chụp khá nhiều. Chẳng hạn máy kỹ thuật số cho phép thấy ngay ảnh vừa chụp, nếu không đẹp thì xóa đi chụp lại. Lẽ đó, hình thành môi trường: người người làm nhiếp ảnh, nhà nhà làm nhiếp ảnh. Ai cũng có thể chụp ảnh được mà không cần đến chuyên môn. Đó là mặt tốt của máy ảnh kỹ thuật số, mang tính phổ cập cộng đồng, giúp ai cũng có thể ghi lại những kỷ niệm của mình mà không cần nhờ người khác.
Tuy nhiên, điều này dẫn đến mặt trái là khiến nhiếp ảnh trở nên dễ dãi và có phần chủ quan khi ai cũng nghĩ rằng mình có thể chụp như nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Thị trường nhiếp ảnh bão hòa, người xem lẫn người chơi ảnh đều thiếu sự nhận biết và trân trọng dành cho những tác phẩm nghệ thuật thật sự.
Giữa một thị trường “bát nháo” “thượng vàng hạ cám” như thế thì lấy gì để phân biệt đâu mới là nhiếp ảnh chân chính? Câu trả lời của Hoàng Thế Nhiệm là bản in. Ông quan niệm bản in mới là nhiếp ảnh thật sự, không phải trên màn hình, không phải bản trình chiếu, nhiếp ảnh chỉ thật sự là nhiếp ảnh khi tác phẩm được sản xuất dưới dạng bản in. Theo ông bản in có khả năng truyền tải đầy đủ thông điệp, ngôn ngữ, cảm xúc, chiều sâu bức ảnh mà không một thiết bị nào thay thế được.
Đối với ông, việc tạo ra bản in là một khâu quan trọng của nhiếp ảnh, bởi lẽ thứ người nghệ sĩ thấy, máy ảnh thấy nhưng chưa chắc tờ giấy in có thể “thấy”. Qua đó nhiếp ảnh gia buộc phải canh chỉnh lại toàn bộ quá trình chụp ảnh từ thủ thuật, ánh sáng đến sắc độ để sản phẩm hoàn hảo đến tận khi xuất bản. Từ trải nghiệm của bản thân, ông mong rằng người nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng cần phải in ảnh để chiêm nghiệm và chủ động trong từng khâu sáng tác, mở ra những góc nhìn chân thật về ngôn ngữ diễn đạt của nhiếp ảnh.
Hoàng Thế Nhiệm nhấn mạnh việc soi xét bản in chỉ dành cho nghệ sĩ đích thực, những người tập trung vào chuyên chuyên môn và kinh nghiệm thực tế. Người bình thường rất khó để phân biệt các bản in với nhau, bởi đơn giản họ không có được những kiến thức nền tảng.
Bỏ qua cái đẹp tổng thể để nhìn thấy sự đặc biệt tinh tế
Là một nhiếp ảnh gia chuyên về ảnh phong cảnh, dọc ngang các miền đất nước khá thường xuyên, điều khiến Hoàng Thế Nhiệm canh cánh trong lòng là sự thay đổi quá nhanh của cảnh quan thiên nhiên. Nhiều cảnh đẹp hoang sơ tự nhiên bị đánh đổi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân.
Trong mắt ông đó là cuộc giằng co vì lẽ sinh tồn giữa con người và thiên nhiên ngay trong thời hiện đại. Sự xung đột đó khi được rọi chiếu qua góc nhìn của nhiếp ảnh rất dễ gây ra xúc động mạnh nơi người xem, là một nguồn sáng tác cho nghệ sĩ nhưng cũng là điều hết sức đau lòng. Ông chỉ mong làm sao tìm được giảm pháp dung hòa, để những tài nguyên đó còn gìn giữ đến ngày sau.
Ông nhắn nhủ người thưởng thức khi đến triển lãm hãy thử cân nhắc và mường tượng xem để tạo ra tác phẩm trước mắt họ đó, thì bao công sức chất xám của những nhiếp ảnh gia đã đầu tư vào – từ quy trình tạo ảnh đến bản in, rồi từ bản in đến triển lãm giới thiệu đến công chúng.
Nhìn thoáng qua có vẻ đơn giản, nhưng trong đó chất chứa rất nhiều tâm huyết, công nghệ kỹ thuật và kinh nghiệm của người làm nghề. Người xem cố giữ tâm thế cởi mở, nới lỏng những quan niệm bản thân về cái đẹp nói chung, nhất là cái đẹp tổng thể, đại trà để cảm nhận được những điều tinh tế, vẻ đẹp đặc biệt trong tâm hồn tác giả được thể hiện qua tác phẩm ảnh. Chính điều đó mới khẳng định sức mạnh của ngôn ngữ nhiếp ảnh: phong phú các góc nhìn về cùng một hiện thực ta đang sống.
—
Writer: Liên Võ for Hoa Ta
Editor: BB Trương