Nội dung bài viết
Philip Van là một nhiếp ảnh gia người Bỉ với phong cách nhiếp ảnh đường phố sống động, đặc biệt hơn là mỗi tác phẩm luôn đi kèm phụ đề – tạo cho người xem cảm giác ngưng đọng như đang ở khoảnh khắc “tạm dừng” trong một bộ phim, gợi mở tâm trí họ những câu hỏi và trí tưởng tượng để đi tìm câu trả lời.
Theo đuổi nhiếp ảnh từ con đường vòng
Bắt đầu tiếp xúc với nhiếp ảnh khá sớm, từ khoảng mười lăm tuổi, cậu thiếu niên Philip Van đã có hứng thú đặc biệt với sách vở về nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh.
Tuổi thơ không có internet, máy tính, kỹ thuật số, tất cả những gì Philip Van và những đứa trẻ khác có là nguồn tư liệu khổng lồ trong các thư viện địa phương. Tại đây cậu đã tìm thấy bộ sưu tập tạp chí Life của Times – kho ảnh trải dài lịch sử hơn 50 năm của nghệ thuật nhiếp ảnh Mỹ. Nguồn tư liệu hiếm hoi ấy đã mở ra một chân trời mới cho Philip Van, nơi cậu được nhìn thấy các tác phẩm của những nhiếp ảnh gia hàng đầu nước Mỹ và cả Pháp thập niên 30 – 40 của thế kỷ trước.
Trong cảm xúc hào hứng và yêu thích vô cùng đó, Philip Van đã mua chiếc máy ảnh đầu tiên trong đời, dù đó chỉ là một chiếc Zenit rẻ tiền của Nga, nhưng từ đây giấc mơ nhiếp ảnh được bắt đầu. Ông chụp nhiều ảnh và có hẳn cho mình một phòng tối riêng để tráng rọi tại nhà.
Tuy nhiên trong nhiều năm sau khi trưởng thành, Philip Van lại thành công với sự nghiệp viết lách, là một nhà văn, tiểu thuyết gia, nhà biên kịch – nên thú vui nhiếp ảnh thuở nào gác sang một bên. Công việc yêu thích nhất của ông là viết kịch bản và lời thoại cho sân khấu. Ông cũng tham gia viết và lên ý tưởng chương trình cho nhiều dự án quảng cáo.
Trong quá trình làm việc, ông hợp tác cùng không ít nhiếp ảnh gia thương mại, tuy nhiên, ông thấy mình không phù hợp với dòng nhiếp ảnh trong studio.
Mãi đến sau khi rời ngành quảng cáo, Philip Van mới bắt đầu chụp ảnh trở lại. Nhân có duyên gặp và biên soạn sách ảnh cho nhiếp ảnh gia nổi tiếng Carl de Keyzer, niềm đam mê với ảnh trong ông quay trở lại mạnh mẽ. Ông chia sẻ: nếu không có Carl de Keyzer có lẽ sẽ không bao giờ ông quay lại con đường nhiếp ảnh.
Sau đó Philip Van đến Trung Quốc – nơi mà ông gọi là “một chủ đề lớn lao” hiện lên trước mắt. Tại đây ông quyết định cầm lại chiếc máy ảnh, tiếp tục cuộc hành trình mà ông đã dừng lại hơn 20 năm.
Nhiếp ảnh là một hình thức thiền định
Philip Van chia sẻ chụp ảnh là một cách đưa ông đến một nơi khác, không đơn giản chỉ là chụp ảnh. Với Philip Van, chụp ảnh là một hình thức thiền định.
Ông thường rảo bước trên những con phố, khám phá các khung hình thú vị, rồi chờ đợi khoảnh khắc mong muốn xảy ra để bắt gọn vào ống ngắm. Đó là những khoảnh khắc dấy lên nhiều câu hỏi như “Điều gì đang xảy ra?” “Ai đang bị cô lập?” hay “Trong thành phố triệu dân này, sao có một người đứng lẻ loi”. Ông gọi đó là những khoảnh khắc “kỳ lạ”, khiến cho ảnh bị mất đi tính thực tế dẫu rằng đó là hiện thực.
Philip Van nói rằng “Tôi càng chụp ảnh, tôi càng thấy như mình đang dừng lại giữa bộ phim”. Với ông, những giây phút đó giống như có một vị đạo diễn nào đó dàn dựng như từng thấy trên sân khấu. Ông nảy ra ý tưởng sáng tác các tác phẩm được thêm vào phụ đề độc đáo của riêng ông.
Phụ đề là yếu tố có tính quyết định trong tác phẩm của Philip Van. Theo ông điều thú vị nhất, cũng là điều mang tính trực giác nhất là chọn phụ đề nào đi với ảnh nào. Việc đó khá phức tạp. Phụ đề phải tạo được sự kịch tính thú vị giữa câu chữ và hình ảnh, đồng thời phải tạo được không gian gợi mở lý thú cho người xem tưởng tượng.
Khi xem ảnh, chúng ta có thể cảm nhận được ai đó đang nói, ai đó đang thuyết minh, đó là hình ảnh từ tất cả các loại phim khác nhau: phim giả tưởng, phim tài liệu, tin tức và nhiều thể loại khác nữa.
Trong những bộ ảnh của Philip Van, các bức ảnh luôn có một sự khác biệt nhất định của nó. Điều đó khiến chúng vừa như liên quan nhau về một chủ đề lại vừa rất độc lập: một số hài hước, một số triết lý, một số đối thoại.
“Chúng ta sống trong những khung hình giả định”
Với Philip Van, con người văn sĩ và con người nhiếp ảnh bên trong ông đã gặp được nhau. Những nhân vật trong ảnh ông thường đang “dừng” bất ngờ khi chuẩn bị nói, nghĩ, hay làm gì đó. Philip Van luôn tạo cho người xem một cảm giác tò mò “chuyện gì đây? rồi sao nữa?”. Phải nhạy bén và cảm giác tốt về con người sự vật và những vận động cảm xúc diễn biến đi cùng, thì mới có khả năng ngưng đọng sự sống rất đỗi tự nhiên truyền cảm như vậy. Thêm vào đó, những dòng phụ đề tưởng chừng ngẫu nhiên lại khiến người xem phải dừng lại suy nghĩ. Đó là sự độc đáo của một nhiếp ảnh gia từng làm việc trong ngành sân khấu và văn chương như Philip Van.
Không giống với nhiều người, nguồn cảm hứng của Philip Van đến từ bên trong, hay đúng hơn là từ sự tưởng tượng của chính ông. Philip Van nói rằng ông là một người thích đọc và xem phim cả đời, nên trí tưởng tượng của ông được nuôi dưỡng từ rất nhiều nguồn.
Trong đôi mắt của Philip Van, cuộc sống giống như một sân khấu, nhưng đó không phải là sân khấu theo nghĩa trình diễn: “Chúng ta sống, rất nhiều, nhiều hơn chúng ta nhận thấy được, trong mơ tưởng. Chúng ta sống trong những khuôn khổ, những khung hình giả định do ai đó đã tạo ra. Có thể là lề lối cũ, có thể là truyền thông hay hệ thống chính trị. Ta sống trong ảo tưởng nhiều hơn những gì ta có thể tin được; và những quy tắc đặt ra là để cho ta vui vẻ áp dụng, làm theo và quy phục. Suy nghĩ của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những điều chúng ta thấy, phim ảnh chẳng hạn, hay giờ đây toàn bộ suy nghĩ ngày càng bị ảnh hưởng nhiều từ youtube hay TikTok. Chúng ta hầu như sống trong tất cả những thứ đó, suy nghĩ hầu hết trong các khuôn khổ đó”.
Từ những chiêm nghiệm đó, theo Philip Van, người nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia đóng vai trò là người quan sát hoặc đạo diễn sân khấu trong tác phẩm của họ.
—
Writer: Liên Võ for Hoa Ta
Editor: BB Trương