Hoa Ta Space

Số 8, Nội khu Mỹ Thái 1A, phường Tân Phú, Quận 7, tpHCM

Mon - Fri: 9:00 - 16:00

Shop online 24/7

Nhiếp ảnh lai: tương lai không giới hạn của nhiếp ảnh

Nội dung bài viết

(Ảnh cover là tác phẩm “Golden Hour on Hồ Tây” của Morgan Ommer)

Từ vài thập kỷ qua, khi công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tái định hình mọi ngành nghề, nhiếp ảnh không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Với sự ra đời của nhiếp ảnh kỹ thuật số, tiếp theo là sự xuất hiện của kỹ thuật “số hóa phim” (film digitisation techniques), tạo tiền đề cho sự ra đời của thực hành nhiếp ảnh mới mà bài viết sẽ gọi là Nhiếp Ảnh Lai (hybrid photography). 

Khái niệm Nhiếp Ảnh Lai trong bài viết này chỉ trao đổi trên phương diện kỹ thuật của quy trình tạo ảnh, không đề cập đến các thể loại chủ đề nội dung nhiếp ảnh khác. Vậy nhiếp ảnh lai mà bài viết muốn trao đổi là gì? Vì sao nhiếp ảnh lai cần được quan tâm hơn bao giờ hết? Xin mời các bạn theo dõi bên dưới.

Các quy trình nhiếp ảnh cơ bản

Muốn biết Nhiếp Ảnh Lai là gì, trước hết chúng ta phải đi từ bước cơ bản nhất là: phân định các quy trình nhiếp ảnh cơ bản, đặc biệt là trong tiến trình phát triển của lịch sử nhiếp ảnh.

Nhiếp ảnh được phát triển từ nguyên lý khúc xạ ánh sáng của camera obscura. “Photography” theo tiếng Hy Lạp cổ: “vẽ bằng ánh sáng”. 

Minh họa cho cơ chế khúc xạ ánh sáng và hiện ảnh của mắt người và Camera Obscura

Quy trình nhiếp ảnh cơ bản vì thế được chia thành 3 bước chính: 

  1. Chụp ảnh – sử dụng ánh sáng để ghi ảnh 
  2. Xử lý/Biên tập ảnh – hiện ảnh, kiểm tra, và chỉnh sửa ảnh đã chụp
  3. Xuất bản – in, đăng tải

Theo sự phân loại chung, các quy trình nhiếp ảnh hiện nay được chia 2 nhánh chính là: các quy trình phổ biến (Common processes) và các quy trình KHÔNG phổ biến (Alternative processes)

Các quy trình phổ biến (Common processes):

Quy trình nhiếp ảnh phim (analog)

  • (1A) Ánh sáng phản ứng với muối bạc trên phim để lưu lại ảnh
  • (2A) Tráng và chỉnh sửa phim bằng kỹ thuật phòng tối
  • (3A) Rọi ảnh trên giấy nhạy sáng 

Quy trình nhiếp ảnh kỹ thuật số (digital)

  • (1D) Ảnh được chụp bằng cảm biến ảnh (sensor)
  • (2D) Chỉnh sửa trên nền tảng kỹ thuật số
  • (3D) In kỹ thuật số

Các quy trình KHÔNG phổ biến (Alternative processes): là các quy trình khác với 2 quy trình chính ở trên. Các quy trình này rất đa dạng nhưng thường ít được sử dụng – ứng dụng các phương pháp có từ thời kỳ đầu nhiếp ảnh cho đến các khái niệm kỹ thuật số mới phát minh về sau (ví dụ: digital negatives).

Một số được giới thiệu như sau:

Sự phân biệt các quy trình cơ bản là rất quan trọng trong phân tích ảnh, trả lời cho câu hỏi: “ảnh được tạo ra như thế nào?”. Điều đó giúp làm rõ vai trò từng bước trong quy trình tạo ảnh, các yếu tố chủ quan/khách quan để dẫn đến kết quả cuối cùng (là “bức ảnh”). Nắm được nguyên lý, người tạo ảnh có thể chiêm nghiệm để phát triển kỹ thuật và chất lượng tác phẩm, còn người xem ảnh dễ dàng tiếp cận, cảm thụ và đánh giá ảnh hơn.

Nhiếp ảnh lai: phục hưng nhiếp ảnh phim, tối ưu nhiếp ảnh kỹ thuật số

Dựa trên cơ sở về quy trình nhiếp ảnh, bài viết này nhận định khái niệm Nhiếp Ảnh Lai là: sự kết hợp, thay thế và phức tạp hoá quy trình tạo ảnh, với các bước khác nhau được tách ra từ ít nhất 2 quy trình nhiếp ảnh cơ bản, để hoàn thiện và cho ra một tác phẩm nhiếp ảnh.

Tuỳ theo ý định và chuyên môn của người thực hành, quy trình tạo ảnh được pha trộn tuỳ biến: bao nhiêu, như thế nào, trình tự ra sao. Mỗi người có thể tự chọn lựa cách riêng cho mình. Sự hiểu biết về quá trình, chất liệu cũng như mức độ đầu tư, mức độ phức tạp, sự tỉ mỉ trau chuốt trong từng bước sẽ phản ánh trình độ và sự sáng tạo của mỗi tác giả.  

Một ứng dụng khá phổ biến hiện nay của Nhiếp Ảnh Lai số hóa phim (film scanning/film digitalisation). Công nghệ này giúp duy trì thực hành nhiếp ảnh phim (analog) trong thời kỳ kỹ thuật số. Các nhiếp ảnh gia truyền thống có sự lựa chọn vừa duy trì được chuyên môn, vừa hoà nhập được vào môi trường nhiếp ảnh hiện đại, mà không cần phải chuyển đổi hoàn toàn sang nhiếp ảnh số. Ngày nay, phim số hóa được chia sẻ rất dễ dàng trên nền tảng Internet.

Xin trích dịch lời Stephan Wehowsky (2010) khi bàn về Nhiếp Ảnh Lai trong việc kết hợp quy trình chụp và lưu trữ ảnh phim (analog) với ứng dụng kỹ thuật số: 

“Điểm mạnh của nhiếp ảnh lai là: Đa phần kích thước máy ảnh phim nhỏ gọn hơn máy số. Ảnh được lưu trữ trên phim, không phải tập tin trên máy tính nên khi lưu trữ, ta chỉ cần một tập hồ sơ - đơn giản, an toàn và phù hợp. Do đó, lập luận cho rằng ảnh phim chậm hơn ảnh số cần được suy xét lại… Ngoài ra, tiềm năng lớn mà công nghệ kỹ thuật số còn cho phép trích xuất lượng dữ liệu khổng lồ từ các tấm phim được số hóa."

Nhiếp Ảnh Lai không chỉ mở ra hướng đi mới cho thực hành nhiếp ảnh phim; đồng thời, cũng tạo ra một bức tranh đầy tiềm năng cho người thực hành nhiếp ảnh số đương đại. 

Nhiếp ảnh số, trong cuộc chạy đua công nghệ không ngừng thay đổi đến chóng mặt về kỹ thuật, phần mềm, tính năng… luôn luôn tạo sức ép buộc người sử dụng phải trau dồi và nâng cao kiến thức để làm chủ thiết bị, công cụ. Sự xuất hiện Nhiếp Ảnh Lai mang đến cho họ nhiều lựa chọn ít áp lực hơn, cá nhân hơn, có tính biểu đạt phong phú hơn, và nhất là đưa tính chất con người vượt trội hơn sự chi phối của máy móc và thuật toán.

Ví dụ, người thực hành kỹ thuật số chỉ cần thành thạo sử dụng một loại máy ảnh hay phần mềm nhất định, nhưng phức tạp hoá quy trình tạo ảnh bằng kỹ thuật hiệu chỉnh hoặc/và ý tưởng can thiệp vật lý, từ đó thách thức kỹ thuật-công nghệ và thách thức tư duy-thẩm mỹ xã hội. Đó mới là điều mang tính đột phá trong nghệ thuật của nhiếp ảnh.

Gần đây, vượt ra ngoài giới hạn của hình ảnh tĩnh, Nhiếp Ảnh Lai còn được thực hành kết hợp với ảnh động, được đăng tải trình bày độc lập hay kết hợp cùng các loại hình khác như video và audio. Đây là kỹ thuật và xu hướng mới mà trong phạm vi bài viết này chưa thể bàn sâu được, hy vọng sẽ có cơ hội trao đổi thêm trong các bài viết khác.

Tương lai không giới hạn của nhiếp ảnh

Hiện nay, nhiếp ảnh là một phần không thể thiếu trong nhiều ngành nghề và trong đời sống của chúng ta. Sự tinh xảo về công nghệ được đẩy xa ở nhiều lĩnh vực khoa học, phục vụ cho nhu cầu khám phá thế giới và nâng cao tiện ích đời sống con người.

Về đời sống tinh thần, chủ yếu là lưu giữ ký ức và nghệ thuật văn hoá, nhiếp ảnh luôn có chỗ đứng riêng khi dễ dàng tiếp cận và sử dụng, hàm chứa được nhiều tầng lớp thông điệp nội dung, và vì thế có tính tương tác ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài. Những đặc tính đó khiến cho nhiếp ảnh không chỉ giới hạn là một loại hình nghệ thuật đơn lẻ, mà còn có khả năng kết hợp mạnh mẽ với các loại hình nghệ thuật khác như nghệ thuật biểu diễn, sắp đặt, hội hoạ, … để cộng hưởng và sản sinh ra những hình thức biểu đạt phong phú mới.

Trong bối cảnh đó, Nhiếp Ảnh Lai là đề tài cần được quan tâm, dù là trên thế giới hay tại Việt Nam bởi phương thức thực hành đa dạng không giới hạn, cùng với mức độ phủ sóng ngày càng trở nên rộng rãi và đặc sắc hơn. Đây có thể xem là tương lai của nhiếp ảnh đương đại!

Những tên tuổi nhiếp ảnh gia nổi tiếng đang thực hành Nhiếp Ảnh Lai có thể kể như Wolfgang Tillmans, Gregory Crewdson, Jeff Wall, Andreas Gursky, Alec Soth … Tầm quan trọng của họ không chỉ ở chỗ họ đang thực hành loại hình nhiếp ảnh mới; mà còn vì họ đang tiếp tục giữ lửa cho thế giới ảnh phim khổ lớn, và truyền cảm hứng phát triển dòng digital khổ trung (Medium format). Với tư tưởng và tài năng, họ tạo nên sự chuyển biến tích cực cho nền nhiếp ảnh của nhân loại.

Nhiếp ảnh lai xuất hiện tại Việt Nam từ bao giờ?

Nhiếp ảnh ở Việt Nam khởi đầu khá sớm, có thể xem là đồng hành cùng sự phát triển chung của nhiếp ảnh thế giới. Từ phương pháp chụp Daguerreotype cho đến sự ra đời các hiệu ảnh thương mại khắp miền Bắc Nam (nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20) với vô số tấm phim từ trắng đen đến màu còn lưu giữ lại. Rồi các thương hiệu Khánh Ký và Hương Ký đi đầu về công nghệ được ghi chép trong cuốn “Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam” (Terry Bennett , 2021). 

Dù gặp nhiều khó khăn bất lợi do chiến tranh, nhiếp ảnh nửa cuối thế kỷ 20 vẫn duy trì vai trò trong đời sống, vẫn có những hiệu ảnh và các nhà in tráng rọi phim hoạt động dù không tiếp cận được với công nghệ và nguyên vật liệu tiên tiến trên thế giới. 

Thời kỳ kỹ thuật số bắt đầu ở những thị trường sôi động nhất như Nhật Mỹ, tương ứng với khoảng thời gian Việt Nam bắt đầu mở cửa giao thương quốc tế, cuối thập niên 1980s. Các thương hiệu máy ảnh nhanh chóng gia nhập thị trường, mở bán rộng rãi các loại máy chụp ảnh, phổ biến nhất là dòng máy du lịch gia đình. Chỉ trong thời gian ngắn, các phòng lab phòng tối dần chuyển đổi/thay thế thành hệ thống kỹ thuật số vì hiệu quả công việc.  

Tuy nhiên vẫn không ít các nhiếp ảnh gia lâu năm vẫn duy trì thực hành nhiếp ảnh phim. Cho nên từ rất sớm, ở Việt Nam đã ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để chuyển tiếp từ công nghệ ảnh phim như tráng phim, scan film và retouch trên file số, sau đó in số. Khoảng những năm 2000s đã có những biểu hiện sơ khai của thực hành Nhiếp Ảnh Lai

Như vậy có thể thấy, những phòng lab hoạt động trong những thập niên từ 1990s đến 2010s là những mắt xích quan trọng trong tiến trình phát triển lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, đưa nền nhiếp ảnh Việt Nam dù trải qua thiếu thốn khó khăn, vẫn nuôi dưỡng tiềm năng đi sau đón đầu xu hướng quốc tế.

Để truy vấn về sự xuất hiện của Nhiếp Ảnh Lai tại Việt Nam, những thông tin hiện bài viết thu thập được là chưa đủ. Có lẽ phải nhờ đến sự hỗ trợ của cộng đồng, nếu bạn có thông tin gì, xin hãy liên lạc qua email [email protected] 

Xin cảm ơn,

*Chú thích thêm: Trong khoảng 10 năm qua, chủ đề Nhiếp Ảnh Lai đang được cộng đồng nhiếp ảnh thế giới quan tâm bàn luận, hiện đã có một số đầu sách về chủ đề này, ranh giới và phương thức thực hành, nếu có điều kiện mời các bạn tham khảo thêm:

Bạch Nam Hải viết cho Hoa Ta

Biên tập: BB Trương