Hoa Ta Space

Số 8, Nội khu Mỹ Thái 1A, phường Tân Phú, Quận 7, tpHCM

Mon - Fri: 9:00 - 16:00

Shop online 24/7

Morgan Ommer: Nhiếp ảnh không thể tách rời cuộc sống

Nội dung bài viết

Morgan Ommer là nhiếp ảnh gia mang hai dòng máu, mẹ là người Việt và cha là người Đức

Ông sinh ra và lớn lên tại Paris (Pháp), thích được gọi thân mật là Minh. Cha ông là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới, vì thế nên tuổi trẻ Morgan luôn cố gắng thoát khỏi cái bóng đó. Ông từ chối học nhiếp ảnh để rồi về sau dòng thời gian lại đưa ông trở về với bộ môn này, tình cờ mà như là định mệnh, không thể tránh được. 

Morgan nhận mình là người ưa thích sự thay đổi và hay di chuyển. Ông sống nhiều nơi ở châu Á, bắt đầu là Hong Kong với khoảng 15 năm. Lúc này, trong một lần chụp ảnh sinh nhật cho bạn, ông khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên khi xem ảnh. Bạn ông phải thốt lên: “Anh đừng nghĩ về cha mình nữa. Đây thật sự là cái anh nên làm!”. Câu nói đã tạo động lực cho Morgan, để từ đó, ông từng bước đi trên hành trình nhiếp ảnh bằng chính đôi chân của mình.

Tác phẩm Green Thin Line của Morgan Ommer

“Việt Nam là một phần trong tôi”

Sự nghiệp của Morgan gắn liền với nhiều tạp chí như Travel + Leisure, Time, Vogue, Harper’s Bazaar và một số tờ báo tạp chí địa phương khác. Thập niên 90s, ông thử vận may khi chuyển đến Việt Nam tìm cơ hội nghề nghiệp. Dự định ban đầu không thành nhưng may mắn đã mỉm cười với ông. Morgan Ommer trở thành nhiếp ảnh gia cho hầu hết các tạp chí thời trang Việt Nam khi đó. 

Khi đến Việt Nam, ông không có ý tìm về cội nguồn, nhưng sinh sống tại đây, tình yêu với mảnh đất con người dần lớn lên. Ông xem nơi đây là một phần trong mình. 

Morgan Ommer kể rằng lần đầu tiên tới Việt Nam ông cảm thấy thú vị khi chứng kiến cảnh tượng cả gia đình ba người đèo nhau trên một chiếc Honda Dream dưới trời mưa. Người cha vừa chạy xe vừa hút thuốc, người mẹ ôm giữ đưa con và… không ai đội mũ bảo hiểm (khi đó chưa có quy định phải đội mũ bảo hiểm). Khoảnh khắc đó được Morgan Ommer ghi lại vào máy ảnh từ một góc phố. Ông đặt tên cho tác phẩm của mình là “Riding the Family Vehicle”.

Tác phẩm Riding the Family Vehicle của Morgan Ommer

Morgan sau đó cũng sắm cho mình một chiếc Honda Dream và viết lên đó dòng chữ “xe gia đình”. Ông khuyến khích mọi người hãy đi và trải nghiệm phong cảnh, con người Việt Nam, có thể tự chụp ảnh hoặc thông qua các tác phẩm nhiếp ảnh để thưởng thức hết vẻ đẹp của đất nước con người nơi đây.

Học nhiếp ảnh từ mọi lĩnh vực của cuộc sống

Morgan Ommer chia sẻ rằng mẹ là người đã giúp ông đánh thức tư duy thẩm mỹ. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ lên ba lên bốn, ông đã được mẹ cho xem rất nhiều bộ phim kinh điển như “Cuốn theo chiều gió” hay “Nữ hoàng Cleopatra”. 

Từ đó, cảm hứng về cái đẹp trong ông liên tục được trau dồi từ các lĩnh vực liên quan đến mỹ học như văn thơ, tranh vẽ, thời trang hay triết học. Song song đó, ông còn được truyền cảm hứng từ đời sống, thời sự và những người làm cùng nghề. 

Morgan chia sẻ ông tự học cách dùng máy ảnh. Ông đọc nhiều, xem nhiều, đi nhiều, quan sát và chụp ảnh nhiều. Với ông, nhiếp ảnh không thể tách rời cuộc sống được. Hầu như mỗi buổi sáng, ông đều bắt đầu ngày mới bằng việc dạo quanh để chụp ảnh. Ảnh như một tấm gương phản chiếu, đó là cách ông bày tỏ, thể hiện nội hàm của mình ra ngoài, là tiếng nói của tất cả khối đời sống, tư duy, tình cảm và thẩm mỹ không thể tách rời bên trong ông. 

Khi nói về cách thời trang truyền cảm hứng cho mình, Morgan đưa ra một liên hệ thú vị rằng điều gì xảy ra trên sàn diễn thời trang ở New York hay Paris cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoa văn bộ cánh phụ nữ Việt Nam mặc ở chợ Bến Thành trong năm tới. Để rồi, bằng cách nhìn vào thời trang, chúng ta có thể thực sự thấy cách nó ảnh hướng đến cuộc sống, và xu hướng nghệ thuật cũng tương tự.

Nhiều màu sắc dễ gây lạc lối

Morgan yêu thích chụp ảnh, ông gọi đó là niềm đam mê bắt lại được những khoảnh khắc, những màu sắc và ánh sáng trong thế giới quanh mình. Thực tế với ông, công việc này như một hình thức lao động nghiêm túc, đôi khi vất vả khó khăn nhưng luôn luôn là điều ông thấy mình cần phải làm. Ảnh của Morgan thường mang phong vị nên thơ, cô đọng, hòa quyện giữa sự táo bạo và lãng đãng mơ màng. 

Một điểm dễ nhận thấy trong phong cách của Morgan Ommer đó là những bức ảnh của ông thường chỉ có vài màu sắc chủ đạo. Ông quan niệm quá nhiều màu sắc sẽ khiến cho câu chuyện trở nên mờ nhạt, làm cho người xem bị chi phối. Tối giản màu sắc ngược lại, cô đọng giúp người xem tiếp cận rõ ràng hơn với biểu cảm và chuyển động trong ảnh. 

Điều này thể hiện rõ ở tác phẩm “Riding the Family Vehicle” đã kể ở trên, khi được hỏi liệu có muốn chụp bức ảnh với phim màu, Morgan nói rằng điều đó không cần thiết. Thời điểm bức ảnh được chụp, phố phường Hà Nội đang giữa mùa đông, phủ trên mình màu xám đặc hữu. Khoảnh khắc đó và hình ảnh gia đình cùng ngồi trên chiếc xe Honda Dream đó… đã kể trọn vẹn câu chuyện. Việc “nhuộm màu” trở lại không có ý nghĩa gì.

Đối với những bức ảnh màu, Morgan thường chỉ nhấn mạnh vào một vài màu sắc. Chẳng hạn bức “Golden hour in Ho Tay”, ông chụp lại một cảnh thân thuộc của Hà Nội xưa với phim slide màu sepia vàng nâu. Cảnh một cụ ông đạp xe ngang phố với chiếc mũ bê rê thông dụng thời đó. 

Tác phẩm Golden hour in Ho Tay của Morgan Ommer

Với bức “Thin green line” (ở phần đầu bài viết), ông chia sẻ: “Tôi không chụp bầu trời và đại dương. Tôi chụp màu sắc của khung cảnh đó”. Đặt tên cho bức ảnh, ông cũng khéo léo chơi chữ khi trong tiếng Việt cả “Green” và “Blue” đều được dịch cùng một chữ “Xanh”. 

Morgan nhận xét trong chừng mừng nào đó việc sử dụng nhiều màu sắc vẫn có thể chấp nhận được, tuy nhiên điều quan trọng là phải làm sao để nhiếp ảnh gia không vì thế mà lạc hướng khỏi diễn biến và biểu cảm trong bức ảnh của mình.

Nhiếp ảnh vẫn là nắm bắt khoảnh khắc

Đứng trước sự phát triển của công nghệ hình ảnh, cho phép ta tạo ra hoặc điều chỉnh theo ý muốn những bức hình với muôn vàn hiệu ứng phong phú, Morgan thẳng thắn nói rằng nhiếp ảnh với ông vẫn là “nắm bắt khoảnh khắc”.

Ông không chú trọng số lượng điểm ảnh (pixel) hay khắt khe với màu sắc từng điểm một trong tác phẩm. Lẽ dĩ nhiên, ông vẫn dùng phần mềm để xóa bụi – và xóa bụi hầu như là thứ ông làm nhiều nhất khi hậu kỳ. Phần quan trọng nhất mà Morgan yêu thích khi sáng tác vẫn là chụp ảnh, là luôn cố gắng bắt được thời khắc lý tưởng nhất của các chi tiết trong khung hình. 

Morgan luôn sẵn sàng bỏ ra rất nhiều thời gian để chụp một bộ ảnh chất lượng thay vì dựa vào phần mềm chỉnh sửa. Ông khẳng định công nghệ giúp chúng ta tạo nên tấm ảnh và cho bất cứ điều gì mình muốn vào trong đó. Nhưng đó không phải là điều ông làm, đó cũng không phải nhiếp ảnh. Vì vậy ông vẫn luôn cố gắng chụp ảnh, mỗi khi thức dậy.

Đặc biệt, về sau này Morgan Ommer có thói quen chụp ảnh bằng điện thoại – một điều mà rất ít nhiếp ảnh gia truyền thống chấp nhận. Nhưng Morgan Ommer đã coi đó như một sự tiến bộ của công nghệ và ông sẵn sàng thử thực hành nhiếp ảnh với nó mỗi ngày.

Writer: Liên Võ for Hoa Ta
Editor: BB Trương

Tác phẩm Cafe Tùng của Morgan Ommer

Video Hoa Ta phỏng vấn tác giả Morgan Ommer

Sở hữu bản in của tác giả tại gian hàng trực tuyến